Nhiều đồng đất của người dân cỏ dại mọc um tùm vì thiếu nước sản xuấtTheo đó, gần hai tháng qua, trên địa bàn huyện Bình Liêu nắng nóng kéo dài, mưa ít khiến các hồ chứa, suối và kênh mương gần như cạn trơ đáy. Thiếu nước không chỉ khiến hàng nghìn hecta ruộng đồng có nguy cơ bỏ hoang, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và kế sinh nhai của hàng trăm hộ dân miền núi.
Thôn Kéo Chản (xã Đồng Tâm) có 34 hộ dân, với gần 300 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Dao. Cuộc sống nơi đây bao đời nay gắn bó với nương rẫy và những cánh rừng xanh mướt. Thế nhưng mùa khô năm nay đã khác - nắng như thiêu, mưa chẳng về, khiến mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp gần như đang bị ngưng trệ nhiều.
Chia sẻ về điều này, anh Chìu Quay Chầu, Người có uy tín của thôn, ngậm ngùi: “Năm nay thiếu nước trầm trọng ấy chứ. Giờ bà con phải gánh từng xô nước từ suối về tưới ruộng, mà nước suối cũng cạn dần từng ngày. Không có nước thì chẳng thể gieo cấy, mà có gieo rồi cây cũng không sống nổi...Lo lắm!”.
Tình trạng thiếu nước không chỉ khiến việc gieo cấy đình trệ, mà còn đẩy người dân vùng cao vào cuộc “chạy đua” đầy nhọc nhằn với thiên nhiên. Không còn cách nào khác, nhiều hộ đã phải tự xoay xở bằng cách mua máy bơm, kéo hàng trăm mét ống nhựa băng qua đồi dốc để dẫn từng dòng nước nhỏ từ khe suối về ruộng cứu lấy cây trồng.
Nhiều hộ đã phải tự xoay xở bằng cách mua máy bơm, kéo hàng trăm mét ống nhựa dẫn nước về tưới lúaGiữa nắng gắt và khô khốc, anh Chìu A Sắn, một người dân tại xã Đồng Văn, không giấu được sự lo âu: “Giờ chẳng biết xoay xở sao nữa. Nghe bảo nhiều nơi cũng đang khô hạn như thế này. Nếu tình hình này kéo dài thì nhiều ruộng chắc sẽ phải bỏ hoang, mất mùa là điều khó tránh”.
Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2025, huyện Bình Liêu dự kiến gieo trồng trên 2.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, có 481 ha lúa, 370 ha ngô, 160 ha dong riềng, 227 ha rau màu cùng nhiều diện tích khoai, sắn, lạc và mía. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ gieo trồng đang chậm do thiếu nước nghiêm trọng. Những thửa ruộng vốn xanh mướt nay khô cằn, nứt nẻ dưới cái nắng gắt kéo dài.
Ông Phùn Dương Huy, Bí thư, Trưởng thôn Phiêng Sáp (Đồng Tâm) cho biết: “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, từ đầu năm đến giờ không có mưa, cho nên rất nhiều hộ gia đình trong thôn không đủ nước để cày cấy. Nếu hạn tiếp tục kéo dài, nguy cơ mất mùa là rất cao”.
Bình Liêu đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều năm trở lại đâyTrước tình hình khô hạn ngày càng nghiêm trọng, UBND huyện Bình Liêu đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn nước. Các biện pháp tưới tiêu tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới luân phiên đang được khuyến khích áp dụng rộng rãi để tối ưu lượng nước hiện có.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết. Những loại cây có khả năng chịu hạn tốt hơn đang được xem là giải pháp để giảm thiểu rủi ro và duy trì sinh kế trước những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu.
Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu, các ngành chức năng theo dõi sát tình hình thời tiết, phối hợp cùng địa phương xây dựng phương án ứng phó hạn hán, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Trên thực tế, việc ứng phó kịp thời và hiệu quả đang trở thành thách thức lớn đối với chính quyền và người dân Bình Liêu. Dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền và nỗ lực không ngừng của người dân, hy vọng rằng những giải pháp thiết thực sẽ giúp người dân vượt qua khó khăn, bảo vệ được sản xuất nông nghiệp, duy trì sinh kế và ổn định đời sống trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.