Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghịch lý công trình thủy lợi Tây Nguyên: Hồ thừa nước nhưng không có vùng tưới!

Lê Hường - Thùy Dung - 15:20, 22/03/2020

Là vùng thường xuyên khô hạn, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã được đầu tư nhiều công trình thủy lợi. Tuy nhiên, không ít công trình chưa phát huy hiệu quả. Trong đó, đáng kể nhất là công trình thủy lợi Ia Mơr ở huyện Chư Prông (Gia Lai) được đầu tư tới 3 nghìn tỷ đồng, đã tích đủ nước nhưng chẳng khác hồ “chết”, do không có vùng tưới.

Kênh dẫn nước chính đang dần hoàn thiện
Kênh dẫn nước chính đang dần hoàn thiện

Dự án Thủy lợi Ia Mơr có vốn đầu tư 3 nghìn tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được phê duyệt đầu tư từ năm 2005. Dự án gồm hồ chứa nước Ia Mơr, hồ chứa nước Plei Pai, đập Ia Lốp, hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây.

Theo thiết kế, hồ chứa nước Ia Mơr có khoảng 2.800ha diện tích mặt nước, dung tích chứa khoảng 180 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho hơn 12.500ha đất trồng cây và nước sinh hoạt cho 50 nghìn nhân khẩu của xã Ia Mơr và một số xã lân cận như Ia Lâu, Ia Piơr thuộc huyện Chư Prông (Gia Lai), các xã: Ia Jlơi, Ia Lốp thuộc huyện Ea Súp (Đăk Lăk).

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy lợi Ia Mơr (Ban Thủy lợi 8) cho biết: Hiện nay, hồ chứa Ia Mơr đã hoàn thành những hạng mục quan trọng, hệ thống kênh chính Đông, chính Tây thi công đạt 40 - 50%. Từ 2 kênh dẫn này, sẽ hình thành những kênh nhánh hình xương cá đưa nước tới từng diện tích đồng ruộng theo quy hoạch.

Tuy nhiên, từ khi chặn dòng tích nước (năm 2017) đến nay, hồ thủy lợi Ia Mơr dù đã tích đủ nước nhưng chẳng khác nào hồ “chết”, bởi không biết tưới tiêu cho vùng nào. Nghịch lý này là do diện tích lớn đất được quy hoạch thành vùng tưới lại là… đất lâm nghiệp!

Cụ thể, phần lớn diện tích vùng tưới đã được quy hoạch của công trình thủy lợi Ia Mơr nằm trên đất rừng; chỉ riêng địa bàn xã Ia Mơr có trên 7.500ha. Muốn trở thành vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr, thì vùng đất lâm nghiệp này phải chuyển đổi thành đất nông nghiệp, sản xuất lúa nước và hoa màu.

Tuy nhiên, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định, nếu chuyển đổi đất rừng phải thực hiện trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, Thông báo kết luận số 191/TB-VPCP năm 2016 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu không chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp và các mục đích khác, kể cả các công trình dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án quốc phòng - an ninh đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng chỉ đạo không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng - an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).

Vướng mắc này khiến hàng triệu m3 nước được tích trữ “bỏ hoang”, trong khi nhiều địa bàn người dân thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Chỉ đơn cử ở xã Ia Mơr, toàn xã chỉ có cánh đồng lúa 300ha, bà con chỉ sản xuất 1 vụ nhưng luôn thiếu nước tưới.

Thiếu nước sản xuất, sinh hoạt khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn; công cuộc xóa đói giảm nghèo vì vậy cũng trầy trật. Với riêng xã Ia Mơr toàn xã có 630 hộ, 2.595 khẩu, trong đó đồng bào DTTS Jrai chiếm 65,62% dân số; hiện tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 17,62%, hộ nghèo là 8,25%,

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, nếu nguồn nước từ hồ thủy lợi được “khơi thông” sẽ giúp bà con thâm canh, luân canh, chuyên canh hoặc kết hợp nhiều mô hình sản xuất hiệu quả hơn, tạo cơ hội để phát triển cây ăn quả và những cây có giá trị kinh tế khác. Bà con đang rất trông chờ vào nguồn nước này.