Cây mắc ca mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân xã Đăk Choong, huyện Đăk GleiXã Đăk Choong là địa bàn có diện tích mắc ca lớn nhất của huyện Đăk Glei với tổng diện tích 141,7 ha. Theo người dân cho biết, từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, cây mắc ca đã được trồng thử nghiệm tại xã Đăk Choong từ năm 2013 với diện tích chỉ vài ha. Sau 5 năm, vườn cây ra quả và mang lại lợi nhuận đáng kể cho các hộ gia đình. Thấy được hiệu quả kinh tế cao và ổn định, trong 3 năm trở lại đây, diện tích cây mắc ca trên địa bàn xã được nâng lên đáng kể, dần thay thế cho các loại cây trồng kém năng suất, có giá trị kinh tế thấp.
Chị Y Thong (dân tộc Gié Triêng), thôn Đăk Mi, xã Đăk Choong tâm sự: Gia đình tôi trồng 200 cây mắc ca vào năm 2013. Sau khi cây mắc ca cho quả, được thương lái đến thu mua tận nhà với giá cao, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư kinh phí để trồng thêm diện tích cây mắc ca. Hiện tại, gia đình tôi đã trồng trên 1.000 cây mắc ca, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Người dân xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei chăm sóc cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phêCùng với đó, việc thành lập các Tổ liên kết trồng mắc ca trên địa bàn huyện Đăk Glei đã góp phần để cây mắc ca phát triển ổn định, tăng dần diện tích và sản lượng theo mỗi năm. Tại Tổ liên kết mắc ca thôn Đăk Mi, xã Đăk Choong, 7 thành viên trong Tổ thường xuyên tổ chức các buổi tham quan vườn cây, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, kỹ thuật thu hái và phòng chống sâu bệnh hại trên cây mắc ca. Đáng chú ý, toàn bộ sản phẩm quả mắc ca của các thành viên trong Tổ được thu gom, liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn huyện.
Chị Y Chánh, Tổ trưởng Tổ liên kết mắc ca thôn Đăk Mi, xã Đăk Choong cho biết thêm: Mỗi năm, Tổ liên kết bán ra thị trường khoảng 1 tấn quả mắc ca tươi. Cây mắc ca có nhiều ưu điểm như rất ít tốn công chăm sóc, không đòi hỏi kỹ thuật cao; mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cây mì, bời lời nên được nhiều hộ dân phát triển diện tích. Hiện nay, đầu ra của cây mắc ca rất ổn định, giá bán khoảng 90.000 đồng/1kg khô nên rất hiệu quả về kinh tế, đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, riêng trong năm 2024, huyện Đăk Glei đã hỗ trợ người dân trồng mới 46ha cây mắc ca, nâng tổng diện tích mắc ca trên địa bàn huyện là 491ha. Nhìn chung, các hộ trồng mắc ca đã dần nâng cao nhận thức, chủ động làm cỏ, bón phân, phòng ngừa sâu bệnh hại, giúp cây mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt, rút ngắn thời gian cho quả bói sau 3 đến 4 năm chăm sóc.
Ông A Ngăn (ngoài cùng bên trái), thôn Vai Trang, xã Đăk Long được hỗ trợ 120 cây mắc ca từ Chương trình MTQG 1719Ông A Ngăn, thôn Vai Trang, xã Đăk Long chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chính chủ yếu dựa vào 500 cây cà phê và 1ha sắn. Đầu năm 2024 thôn tổ chức họp, tuyên truyền, vận động thì tôi đăng ký và đã nhận hỗ trợ 120 cây mắc ca theo Chương trình MTQG 1719. Tôi chọn cây mắc ca để trồng xen vào diện tích cà phê, tôi thấy loại cây này có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thỗ nhường ở đây và dễ cho gia đình trong quá trình chăm sóc.
Huyện Đăk Glei có hơn 86% dân số là đồng bào DTTS. Việc phát triển cây mắc ca trong thời gian qua đã góp phần đa dạng hoá các loại cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Bà Y Ly Sa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đăk Glei cho hay: Nhằm giúp người dân phát triển diện tích cây mắc ca hiệu quả, Phòng thường xuyên cử cán bộ phối hợp với cán bộ các xã kiểm tra, kiểm soát tình hình sâu bệnh hại trên cây mắc ca; triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca nhằm nâng cao năng suất, sản lượng vườn cây. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm mắc ca của người dân gắn với phát triển sản phẩm hàng hoá, từng bước khẳng định thương hiệu mắc ca tại huyện Đăk Glei đến với đông đảo người tiêu dùng.