Đội văn nghệ dân gian xã Đức Xuân, huyện Thạch An được thành lập với nguồn lực đầu tư từ Dự án 6, Chương trình MTQG 1719. (Ảnh minh họa)Phát huy giá trị bản sắc văn hóa các DTTS
Vùng đất Cao Bằng trên 525 năm tuổi với bản sắc văn hóa các DTTS là vốn quý, cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Từ nhiều năm, nay, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và đồng bào các DTTS đã đồng hành, đồng lòng, thống nhất trong từng nếp nghĩ và cách làm, khắc phục khó khăn để giữ gìn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch theo Dự án 6, Chương trình MTQG 1719.
Ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, kể từ khi trở thành Làng du lịch cộng đồng vào năm 2022, bản sắc văn hóa, lịch sử, phong tục của người Dao tiền được quảng bá rộng rãi. Nghề thêu, in hoa văn sáp ong trước đây chỉ lưu giữ trong cộng đồng Dao tiền, nay đã được ứng dụng trong các hoạt động trải nghiệm du lịch và làm các sản phẩm lưu niệm.
Nếu như trước đây, quần thể cảnh quan thiên nhiên miền sơn cước Nguyên Bình từng ghi dấu cuộc sống nhọc nhằn của bao thế hệ người Dao tiền, thì bây giờ trở thành điểm check-in hấp dẫn với các hoạt động sản xuất hằng ngày như bắt cá chép ruộng, vẽ sáp ong, thêu dệt thổ cẩm... Các tour du lịch đến Hoài Khao được ngành Du lịch và chính quyền địa phương chú trọng. Từ đó, dần định hình nếp nghĩ cách làm trong đồng bào DTTS địa phương về làm du lịch cộng đồng.
Người dân xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình thêu trang phục. (Ảnh minh họa)Tương tự, tại huyện Bảo Lạc, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng, để động viên đồng bào DTTS làm du lịch cộng đồng, chính quyền huyện Bảo Lạc xây dựng các chương trình, giải pháp tạo thêm công ăn việc làm, gia tăng thu nhập. Cùng nguồn lực từ Chương trình 1719, huyện vận dụng nhiều chính sách linh hoạt để lưu giữ, chọn lọc và bảo tồn những phong tục, văn hóa tốt đẹp, tiên tiến. Thấy nhà cửa, trang phục, ngành nghề truyền thống đến những câu chuyện văn hóa, lịch sử của dân tộc mình không chỉ được bảo vệ, lưu giữ, mà còn góp phần phát triển kinh tế gia đình, bà con quan tâm và chung tay cùng làm.
Một trong những người đi tiên phong trong làm du lịch cộng đồng ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc là gia đình ông Chi Viết Hải, dân tộc Lô Lô, Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Theo chia sẻ của ông Hải, dù làm mới hay cải tạo, nếp nhà sàn của người Lô Lô bao đời nay luôn được giữ nguyên không gian kiến trúc và kiểu dáng. Đây là nét độc đáo, hấp dẫn du khách. Khi triển khai làm du lịch cộng đồng theo mô hình homestay, chúng tôi được đào tạo các kỹ năng về đón tiếp khách, học cách chế biến, nấu nướng, bày biện món ăn; tham quan, học hỏi một số mô hình làm du lịch cộng đồng ở các tỉnh bạn. Đến nay, với sự quan tâm, đầu tư của cấp trên, bà con trong xóm Khuổi Khon đã thành lập Tổ dệt vải, đan lát, duy trì đội văn nghệ, xây dựng chương trình, tập luyện các bài hát dân ca và điệu múa của người Lô Lô; phục dựng một số nghi lễ và lễ hội… để phục vụ khách du lịch.
Quang cảnh xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình. (Ảnh minh họa)Giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Theo chia sẻ của ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, để bà con tham gia làm du lịch cộng đồng, huyện đã đầu tư làm đường, kéo điện, hỗ trợ kinh phí phục dựng nhà sàn cổ, lợp lại mái ngói âm dương. Giai đoạn đầu, cán bộ cùng bà con chỉnh trang nhà cửa, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện tổ chức cho bà con tham quan, học hỏi nhiều mô hình làm du lịch cộng đồng để bà con có ý thức trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, trong năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ đầu tư 10 điểm du lịch cộng đồng, 23 điểm đến du lịch tiêu biểu của vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, các điểm du lịch cộng đồng chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư, bởi thiếu quy hoạch tổng thể phát triển. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và đơn giản. Các điểm du lịch chưa xây dựng được sơ đồ, chương trình du lịch cụ thể để khách tham quan trải nghiệm… Tài nguyên văn hóa, du lịch vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Làng đá Khuổi Ky tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh hiện đang là một trong những điểm đến hấp dẫn tại tỉnh Cao Bằng. (Ảnh minh họa)Theo ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao tỉnh Cao Bằng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, tuyên truyền, định hướng cho bà con về bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với du lịch, chính sách phải đi đôi với nguồn lực. Hiện nay, nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG còn rất hạn chế, ngân sách Trung ương và tỉnh đều hạn hẹp, nguồn lực xã hội hóa lại càng khó. Điều kiện địa hình, địa lý, hạ tầng, tỷ lệ khách du lịch đến Cao Bằng chưa cao… khiến Cao Bằng chưa thu hút được đầu tư.
Để bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, theo ông Sầm Việt An, nếu có nguồn lực tốt hơn, nhiều mục tiêu trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững sẽ sớm đạt được.
Trong giai đoạn 2022 - 2024, tổng nguồn vốn của Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Cao Bằng là 41.939 triệu đồng. Qua triển khai thực hiện Dự án 6, diện mạo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân đã mang lại những hiệu quả tích cực, nâng cao dân trí, đời sống Nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn với hoạt động du lịch cộng đồng của địa phương. Đồng thời, tạo việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển cho bà con ở vùng đồng bào DTTS.