Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người đàn ông mù và hàng triệu viên gạch không nung

Thiên Đức - 17:41, 30/09/2021

Mặc dù bị hỏng cả hai mắt, nhưng anh Lê Văn Cảnh. sinh năm 1970, trú tại xóm Phúc Chu, trị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) vẫn tự chăm sóc được bản thân. Không những vậy, anh còn chăm lo rất chu đáo cho vợ con và tự tay đóng hàng triệu viên gạch không nung làm vật liệu cho các công trình xây dựng.

Những viên gạch của anh Cảnh góp phần xây dựng các công trình thân thiện với môi trường. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Những viên gạch của anh Cảnh góp phần xây dựng các công trình thân thiện với môi trường. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Từ phận đời không may mắn

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, người dân miền núi Định Hóa (Thái Nguyên) đua nhau đi tìm kiếm giấc mơ đổi đời ở các bãi vàng. Anh Lê Văn Cảnh cũng không thoát khỏi được vòng xoáy ấy. Anh cũng lặn lội đi đào vàng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Tuy nhiên, khi anh chưa kịp đổi đời, thì đã phải trả giá đắt . Đó là vào năm 1992, khi anh đang đào vàng ở trong hầm thì nghe thấy một tiếng nổ kinh hoàng. Đất đá đổ ào ào làm rung chuyển cả căn hầm được đục khoét nham nhở. Trong vụ nổ đó, có nhiều người đã bị vùi dưới lòng đất. Anh Cảnh may mắn thoát chết trong gang tấc. Nhưng đôi mắt của anh mãi mãi không nhìn thấy nữa.

Trở về với gia đình khi đôi mắt không còn, anh Cảnh rơi vào một tình trạng vô cùng túng quẫn. Thời buổi khó khăn, người mắt sáng còn khó có thể chăm lo cuộc sống gia đình chứ chưa nói đến khiếm thị như anh. Lúc đó, anh Cảnh cũng chẳng biết làm thế nào để kiếm ra tiền. Có nhiều khi buồn chán, anh lại tìm đến rượu để mong quên hết thực tại. 

Vợ anh thì làm quần quật mà vẫn phải chăm con và người chồng khiếm thị. Vợ anh cũng thường xuyên đau ốm, bệnh tật mà không có thuốc uống, con nhỏ thì suốt ngày khóc lóc. Nhiều bữa, trong nhà không còn gạo để nấu cơm...

Trước tình cảnh gia đình khó khăn, khiến anh giật mình  "tỉnh lại",  anh Cảnh đã quyết định đi kiếm việc làm. Nhưng người mù thì chẳng có ai chịu thuê. Cuộc sống cùng cực, u ám khiến không ít lần anh muốn tìm đến sự giải thoát. Nhưng nghĩ đến vợ con, anh đã đứng vững. Rồi đến một ngày, anh được một ông chủ lò gạch không nung nhận vào làm, với điều kiện là hưởng theo sản phẩm. Cũng từ đây, anh bước vào "cuộc chiến đấu" mới.

Anh Cảnh đang dọn sỏi chuẩn bị công việc đóng gạch ba banh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Anh Cảnh đang dọn sỏi chuẩn bị công việc đóng gạch ba banh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Trở thành tấm gương tiêu biểu

Công việc làm thuê của anh ban đầu cũng gặp không ít khó khăn. Anh được thuê gánh cát từ dưới suối lên đến lò đóng gạch. Do đoạn đường khá xa nên nhiều lần gánh đến nơi thì cát cũng đã bị vơi đi phần nào. Đi mãi rồi cũng thành quen, anh đã thuộc từng bước chân, từng viên đá sỏi chắn ngang đường. 

Càng ngày anh càng làm việc hiệu quả. Không những gánh được bằng những người mắt sáng, mà anh còn gánh được nhiều hơn họ. Bởi phía trước, là hình ảnh vợ con với cuộc sống khó khăn cần có tiền để sinh sống. Từ sự chăm chỉ lao động, số tiền công lao động không những giúp anh nuôi sống gia đình, mà anh còn tích cóp với ý định mở thêm hướng làm ăn.

Cuộc sống luôn công bằng, sau một thời gian dài làm thuê, học được nghề, tích lũy vốn, anh Cảnh đã tự mở cơ sở đóng gạch để bán. Gạch của anh Cảnh đóng rất tỷ mỉ, kỳ công, viên nào cũng rất chắc chắn nên được nhiều người dân ở địa phương và cả ở những xã, huyện khác trong tỉnh tìm mua.  Nhờ đó mà cơ sở làm ăn của anh ngày càng khấm khá. Vào những thời điểm có nhu cầu xây dựng cao, anh Cảnh còn phải thuê từ 3 - 4 lao động về đóng gạch cho xưởng để kíp xuất hàng cho khách đặt.

Anh Cảnh cho biết, nhờ công việc đóng gạch này mà anh đã chăm lo được cho gia đình. Bị tàn tật, gia đình thuộc diện khó khăn nhất thị trấn, nay anh đã có thể kiếm tiền nuôi sống cả gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành. Hiện anh có một con gái sau khi học xong đã xin việc làm ở Hà Nội, con trai học xong cũng thường xuyên phụ giúp bố làm việc. Sau nhiều năm tích cóp, anh đã xây được một ngôi nhà khang trang, ước tính đến vài trăm triệu đồng. 

Trong câu chuyện, anh Cảnh  luôn khiêm tốn về tất cả những gì mình đã làm được. Anh luôn nhắc lại câu nói: "Mình không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, hay xã hội. Và vì sự sinh tồn của bản thân, gia đình thì bắt buộc phải làm".

Chia sẻ với chúng tôi về anh Lê Văn Cảnh, bà Vũ Thị Lan, Hội phó Hội người mù huyện Định Hóa, Thái Nguyên phấn khởi thông tin,  anh Lê Văn Cảnh là thành viên tiêu biểu của Hội Người mù huyện Định Hóa. Điều ấn tượng nhất là, bị mù cả hai mắt nhưng anh Cảnh vẫn lao động như những người bình thường để lo cho bản thân, gia đình. Đây là một tấm gương sáng, là niềm tin để những người kém may mắn có thêm nghị lực vượt qua số phận.