Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dấu ấn tri ân ở Tuyên Quang

Vũ Mừng - 4 giờ trước

Toàn bộ 1.065 ngôi nhà cho người có công trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành đúng tiến độ trước dịp 27/7. Kết quả đó là sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây cũng là những công trình ý nghĩa nhằm tri ân đối với những gia đình người có công hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh trao tặng ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc cho gia đình thương binh Mai Trung Liên
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh trao tặng ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc cho gia đình thương binh Mai Trung Liên

Sau khi hợp nhất địa giới hành chính, Tuyên Quang đối mặt với nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi, có đường biên giới dài, dân cư phân tán, điều kiện kinh tế còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhất là xóa nhà tạm cho người có công luôn được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Như lời Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh khẳng định: “Đây là một chủ trương mang giá trị nhân văn sâu sắc. Tỉnh xác định rõ người có công là đối tượng được ưu tiên số một”.

Trên tinh thần đó, Tuyên Quang đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ: Từ cấp tỉnh tới cấp xã đều thành lập Ban chỉ đạo; từng cán bộ được phân công sát sao tới từng hộ gia đình. Kế hoạch hành động cụ thể, rõ người – rõ việc – rõ kết quả được quán triệt sâu rộng. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2025, toàn bộ 1.065 ngôi nhà cho người có công trên địa bàn đã hoàn thành đúng tiến độ trước dịp 27/7.

Ông Mai Trung Liên, thương binh hạng 4/4 tại xã Ngọc Đường chia sẻ: “Đã từng đi qua chiến tranh, từng trải bao gian khó, nhưng chưa bao giờ bản thân tôi xúc động như lúc đứng trước ngôi nhà mới này. Không chỉ vì có mái che chắn mưa nắng mà vì tôi cảm nhận rõ sự trân trọng và sẻ chia của chính quyền, của bà con. Tấm ảnh Bác Hồ, lá cờ đỏ sao vàng treo giữa gian nhà đó là biểu tượng thiêng liêng nhất, là niềm tự hào không gì sánh được”.

Trong buổi lễ bàn giao nhà mới, cựu chiến binh Nguyễn Viết Đôn tại xã Đồng Yên nghẹn ngào: “Tôi chưa từng nghĩ, tuổi già của mình lại có được một mái nhà vững chãi như thế này. Mừng thì đã đành, nhưng ấm lòng nhất là tình nghĩa, là sự quan tâm từ cán bộ tới bà con lối xóm”.

Khoảnh khắc những lá cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ được treo trang trọng trong mỗi căn nhà mới vẫn in đậm trong ký ức của Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh. Với ông, đó là hình ảnh xúc động và thiêng liêng, phản chiếu niềm tin son sắt của người dân với Đảng, Nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh nhấn mạnh: “Chúng tôi cảm nhận đó không chỉ là mái ấm của một hộ dân, mà là mái nhà của chính mình, nơi gửi gắm tình cảm, niềm tin và trách nhiệm”.

Gia đình CCB Nguyễn Viết Đôn, xã Đồng Yên, tỉnh Tuyên Quang đón nhận ngôi nhà mới với sự chung tay giúp đỡ của các chính quyền và người dân địa phương
Gia đình CCB Nguyễn Viết Đôn, xã Đồng Yên, tỉnh Tuyên Quang đón nhận ngôi nhà mới với sự chung tay giúp đỡ của các chính quyền và người dân địa phương

Một trong những yếu tố tạo nên thành công cho Chương trình là sự tham gia chủ động, tích cực của người dân, những chủ thể vừa được thụ hưởng, vừa trực tiếp góp công sức vào tiến trình xóa nhà tạm. Mỗi công trình khởi dựng không đơn thuần là việc xây nhà, mà là kết quả của quá trình vận động, góp công, góp của từ cộng đồng.

Từ việc chọn ngày khởi công, san nền, vận chuyển vật liệu... đều có sự tham gia của người dân, anh em, dòng họ. Chính quyền địa phương đã huy động các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng đồng hành. Ở nhiều xã, mô hình “tổ thợ xây nghĩa tình” được thành lập, tình nguyện hỗ trợ các hộ gia đình chính sách. 

Với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ từ ngân sách, cộng thêm sự đóng góp của cộng đồng và phần tích góp của hộ dân, nhiều căn nhà mới đã được xây dựng khang trang, phù hợp với kiến trúc truyền thống địa phương.

Từ Chương trình này, một bài học lớn được rút ra: Muốn thành công, phải huy động được sức dân, lòng dân. Khi chủ trương hợp với lòng dân, thì người dân sẽ tự giác, tự nguyện đồng hành. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” đó không phải khẩu hiệu suông mà là nguyên tắc xuyên suốt. 

Chương trình cũng được triển khai theo tinh thần “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả) và “4 thật” (nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân thụ hưởng thật).

Từ kết quả đã đạt được, tỉnh Tuyên Quang xác định sẽ tiếp tục duy trì cách làm này trong các Chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển sinh kế bền vững cho người có công và hộ nghèo. Bởi một mái ấm vững chắc không chỉ bảo vệ người dân khỏi mưa nắng, mà còn là nền tảng để họ yên tâm lao động, học tập, phát triển kinh tế.

Những căn nhà mới hoàn thành trước Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), là những công trình tri ân lặng lẽ mà sâu sắc. Ở Tuyên Quang hôm nay, mỗi mái ấm ấy không chỉ làm ấm lòng người có công, mà còn thắp lên niềm tin, sự gắn bó giữa chính quyền và Nhân dân. Từ đó, tạo dựng một nền tảng xã hội đoàn kết, nghĩa tình, điều mà mọi chủ trương, chính sách dù lớn đến đâu cũng cần phải đặt làm cốt lõi.

Tin cùng chuyên mục
Gặp lại ở Phìn Sư

Gặp lại ở Phìn Sư

Tôi lên Phìn Sư, thăm lại gia đình Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao, vào một buổi sớm mùa hè. Mùa này, nước trời ào ạt đổ về từ các khe núi, chảy rậm rịch suốt ngày đêm vào các ô ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì (cũ) nay là thôn Phìn Sư, xã Tân Tiến. Phía xa xa, Seo Thế phăm phăm sải bước, hai tay nắm chặt đốc cày, khéo léo điều khiển con trâu phía trước theo đường cong như mảnh trăng lưỡi liềm của thửa ruộng. Một mình Thế, một con trâu, một thửa ruộng mà thấy cả mùa vàng đã bắt đầu nảy nở dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.