Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sơn La: Mỗi người một tay, xã nghèo đổi thay

Khánh Thư - 16:06, 23/07/2025

Được sự đỡ đầu của cơ quan, đơn vị, các xã nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với vốn đầu tư của Chương trình MTQG 1719, nhiều xã không chỉ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn mà đã “về đích” nông thôn mới.

Diện mạo mới ở xã Phiêng Cằm, tỉnh Sơn La.
Diện mạo mới ở xã Phiêng Cằm, tỉnh Sơn La.

Chuyển biến ở xã nghèo

Phiêng Cằm là xã khu vực III của huyện Mai Sơn (cũ). Trước thời điểm sáp nhập với xã Chiềng Nơi thành xã Phiêng Cằm (mới) hiện nay, đây là nơi cư trú của khoảng 1.506 hộ, trên 8.000 nhân khẩu thuộc 5 thành phần dân tộc (Mông, Khơ Mú, Thái, Dao, Kinh).

Tại thời điểm tháng 9/2022, khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), tỷ lệ hộ nghèo ở Phiêng Cằm lên tới 62,37% (chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025); xã mới đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội ở những địa bàn nghèo như Phiêng Cằm, trước khi khởi động Chương trình MTQG 1719, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1853/QĐ-UBND ngày 30/7/2021, phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụ trách, giúp đỡ các xã khu vực III trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2021-2026. Theo đó, các cơ quan, đơn vị được giao “đỡ đầu” 125 xã khu vực III trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Sơn La, Sở Dân tộc và Tôn giáo (trước tháng 3/2025 là Ban Dân tộc tỉnh) được giao giúp đỡ xã Phiêng Cằm. Đơn vị thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế để triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn xã; đồng thời tổ chức thăm, tăng quà cho Nhân dân, người có uy tín,… trong những dịp lễ, tết hoặc trong trường hợp xảy ra các biến cố đột xuất.

Một góc xã Phiêng Cằm, tỉnh Sơn La.
Một góc xã Phiêng Cằm, tỉnh Sơn La.

Cùng với nguồn lực Chương trình MTQG 1719 và sự giúp đỡ Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, Phiêng Cằm đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Giai đoạn 2022-2024 đánh dấu sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh ở Phiêng Cằm.

Cụ thể, tại thời điểm năm 2022, ở Phiêng Cằm có khoảng 460ha cà phê, hơn 200 ha cây ăn quả các loại như: mận, xoài, nhãn, bưởi... Đến hết năm 2024, toàn xã có trên 910 ha cà phê, 81 ha cây mắc ca, gần 230 ha cây ăn quả và nhiều loại cây trồng khác.

Mô hình sinh kế đa dạng, sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa ngày càng tăng đã góp phần nâng cao đời sống của người dân Phiêng Cằm, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 50,8%. Như vậy, giai đoạn 2022-2024, Phiêng Cằm giảm 11,57% hộ nghèo, bình quân hơn 3,85%/năm, đạt mục tiêu Chương trình MTQG 1719 đề ra (trên 3%).

Không gián đoạn nhiệm vụ đỡ đầu

Cùng như Phiêng Cằm, 125 xã khu vực III (trước khi sáp nhập) được 113 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Sơn La nhận đỡ đầu đã có những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Nhiều xã không chỉ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn mà còn “về đích” NTM.

Năm 2021, Ngọc Chiến (địa phương không thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã) là xã khu vực III của huyện Mường La cũ. Thực hiện Quyết định số 1853/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh, Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Quân đội-Viettel Sơn La nhận giúp đỡ xã Ngọc Chiến.

Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 cùng với sự đỡ đầu của doanh nghiệp, xã Ngọc Chiến đã có bước phát triển đột phá. Từ một xã nghèo, đến hết năm 2023, xã đã “cán đích” NTM – là xã đầu tiên của huyện Mường La (cũ) đạt chuẩn theo bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025; với 19 tiêu chí, 57 chỉ tiêu.

Vốn Chương trình MTQg 1719 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở xã Phiêng Cằm, tỉnh Sơn La.
Vốn Chương trình MTQg 1719 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở xã Phiêng Cằm, tỉnh Sơn La.

Tại thời điểm đạt chuẩn NTM, 100% các tuyến đường xã, đường bản, liên bản trên địa bàn xã Ngọc Chiến đảm bảo giao thông thông suốt; 100% đường ngõ, xóm sạch, đẹp, đi lại thuận tiện quanh năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 11,2%...

Cùng với Ngọc Chiến, nhiều xã khu vực III của tỉnh Sơn La cũng “thay da đổi thịt”. Hết năm 2024, toàn tỉnh đã có 18 xã khu vực III thoát khỏi danh sách xã nghèo, “về đích” NTM.

Sự phát triển ở các xã khu vực III là nền tảng để tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719; đồng thời cũng là động lực để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tích cực hơn trong việc giúp đỡ các địa bàn nghèo. Bởi thực tế, hiện nhiều xã khu vực III của tỉnh, dù đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn rất khó khăn, nhất là sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Xã Phiêng Cằm (mới) là một ví dụ. Thực hiện Nghị quyết số 1681/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/7, xã Phiêng Cằm (cũ) và xã Chiềng Nơi của huyện Mai Sơn (cũ) sáp nhập thành xã Phiêng Cằm mới.

Sau sáp nhập từ xã Phiêng Cằm (cũ) và xã Chiềng Noi, xã Phiêng Cằm mới có gần 2.000ha cây cà phê. (Ảnh minh họa)
Sau sáp nhập từ xã Phiêng Cằm (cũ) và xã Chiềng Noi, xã Phiêng Cằm mới có gần 2.000ha cây cà phê. (Ảnh minh họa)

Tính đến trước thời điểm sáp nhập, tỷ lệ hộ nghèo ở Phiêng Cằm (cũ) chiếm tới 50,8%. Còn với xã Chiềng Nơi, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã lên tới 66%. Thời gian tới, hành trình giảm nghèo ở xã Phiêng Cằm mới tiếp tục sẽ nhận được sự giúp đỡ của không chỉ một mà là hai đơn vị. 

Theo Quyết định số 1853/QĐ-UBND ngày 30/7/2021, phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụ trách, giúp đỡ các xã khu vực III trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2021-2026, Sở Dân tộc và Tôn giáo đỡ đầu xã Phiêng Cằm (cũ); còn Công ty Cổ phần xe khách Sơn La sẽ giúp đỡ xã Chiềng Nơi. Sau sáp nhập xã, cùng với Chương trình MTQG 1719, cả 02 đơn vị sẽ hợp lực để “mỗi người một tay” đưa Phiêng Cằm mới sớm thoát khỏi danh sách xã nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Gặp lại ở Phìn Sư

Gặp lại ở Phìn Sư

Tôi lên Phìn Sư, thăm lại gia đình Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao, vào một buổi sớm mùa hè. Mùa này, nước trời ào ạt đổ về từ các khe núi, chảy rậm rịch suốt ngày đêm vào các ô ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì (cũ) nay là thôn Phìn Sư, xã Tân Tiến. Phía xa xa, Seo Thế phăm phăm sải bước, hai tay nắm chặt đốc cày, khéo léo điều khiển con trâu phía trước theo đường cong như mảnh trăng lưỡi liềm của thửa ruộng. Một mình Thế, một con trâu, một thửa ruộng mà thấy cả mùa vàng đã bắt đầu nảy nở dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.