Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Máu đào tô thắm cờ Tổ quốc

Tùng Nguyên - 3 giờ trước

Để có một Việt Nam đổi mới, hội nhập sâu rộng như ngày hôm nay, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống dưới mưa bom, bão đạn. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt 250 đại biểu người có công, nhân chứng lịch sử tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, TP Hà Nội ngày 24/7/2025.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt 250 đại biểu người có công, nhân chứng lịch sử tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, TP Hà Nội ngày 24/7/2025.

Hằng năm, cứ đến ngày 27/7, người dân trên khắp cả nước lại thành kính đến các nghĩa trang liệt sĩ để dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây không chỉ là sự tưởng niệm, biết ơn, mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ về những mất mát, hy sinh thầm lặng của hàng triệu con người đất Việt.

Trong bài viết: “Uống nước nhớ nguồn” nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ngày 27/7 hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thể hiện lòng biết ơn sâu nặng tới gia đình người có công với cách mạng.

“Truyền thống cao đẹp "uống nước nhớ nguồn" đã trở thành sợi dây thiêng liêng kết nối các thế hệ người Việt Nam, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để toàn dân tộc đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài viết.

Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta không thể có ngày hôm nay, không thể có một Việt Nam đổi mới, phát triển, hội nhập sâu rộng nếu không có mồ hôi, máu xương của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người mẹ, người cha sẵn sàng động viên con cháu ra trận và giành phần khó khăn, gian khổ, mất mát về mình với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “tất cả vì tiền tuyến”.

“Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam”.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khi đến thăm và tặng quà các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình chính sách tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ngày 15/7/2025.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, cả nước có trên 9,2 triệu người có công với cách mạng; trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học...

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 78 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và nhân thân.

Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết cơ bản; trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021 góp phần cải thiện đáng kể đời sống người có công.

Trong gần 2 năm qua, cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công. Tính đến ngày 27/7, theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ xóa trên 41.800 nhà tạm cho người có công với cách mạng, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Điều đáng trân trọng là, ngày càng có nhiều địa phương và người dân chủ động hơn trong công tác chăm lo người có công. Ý thức tri ân đã trở thành một phần văn hóa cộng đồng, thể hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực.

Ngày 26/7, căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Mót, sinh năm 1932, xã Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị đông vui hơn thường lệ khi đón nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên. Mẹ Mót có chồng là liệt sĩ Bùi Văn Uynh, sinh năm 1930, hy sinh tại mặt trận Quảng Trị năm 1966. Người con trai thứ hai của mẹ là liệt sĩ Bùi Văn Thú (sinh năm 1959) cũng hy sinh khi mới 22 tuổi.

Đến thăm mẹ Mót đúng dịp Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, đoàn công tác của Trung ương Đoàn đã tặng mẹ món quà đầy ý nghĩa. Đó là di ảnh của liệt sĩ Bùi Văn Thú được phục dựng bằng công nghệ AI; bức ảnh có mẹ Mót và con trai. Đặc biệt là video “Ngày đoàn viên” được dựng lên từ ảnh của anh Bùi Văn Thú và mẹ Mót có giọng nói của người con trai.

Chứng kiến khoảnh khắc hai mẹ con gặp nhau nhờ công nghệ, nhiều người không cầm được nước mắt. Bởi hơn 40 năm qua, từ ngày anh Bùi Văn Thú hy sinh, thời gian đã làm mắt mẹ mờ đi, nhưng nỗi nhớ người con trai ấy vẫn không nguôi.

Những chuyến thăm, tặng quà người có công là hoạt động thường niên nhưng không bao giờ cũ. Bởi nó luôn mang trong mình thông điệp đầy về sự tri ân, về lòng yêu nước, và về nghĩa tình sâu nặng. Hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp bước lý tưởng cách mạng của thế hệ cha anh, phát huy sức trẻ để học tập, lao động, cống hiến, sáng tạo, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Hiện cả nước có 3.000 nghĩa trang và 4.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước được đầu tư xây dựng, tu bổ trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Đến nay có trên 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư nơi cư trú.

Tin cùng chuyên mục
Gặp lại ở Phìn Sư

Gặp lại ở Phìn Sư

Tôi lên Phìn Sư, thăm lại gia đình Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao, vào một buổi sớm mùa hè. Mùa này, nước trời ào ạt đổ về từ các khe núi, chảy rậm rịch suốt ngày đêm vào các ô ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì (cũ) nay là thôn Phìn Sư, xã Tân Tiến. Phía xa xa, Seo Thế phăm phăm sải bước, hai tay nắm chặt đốc cày, khéo léo điều khiển con trâu phía trước theo đường cong như mảnh trăng lưỡi liềm của thửa ruộng. Một mình Thế, một con trâu, một thửa ruộng mà thấy cả mùa vàng đã bắt đầu nảy nở dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.