Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mười lăm năm mòn mỏi chờ đền bù chênh lệch đất từ Dự án Thủy điện Bản Vẽ

Việt Thắng - Y Nguyên - 19:40, 02/07/2023

Người dân đã vì lợi ích chung, sẵn sàng nhường đất, di dời để xây thủy điện. Thế nhưng 15 năm trôi qua, họ vẫn đang dài cổ chờ đền bù chênh lệch diện tích đất giữa nơi đi và nơi đến. Sự việc diễn ra ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ, huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An)

Bà con cho rằng, so với ngày trước thì về nơi tái định cư đất ít hơn nên đời sống vẫn đang rất khó khăn
Bà con cho rằng, so với trước khi chuyển đến nơi tái định cư, đất sản xuất ít hơn nên đời sống vẫn đang rất khó khăn

Vẫn mỏi mòn… chờ

Năm 2008, 2.910 hộ dân ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) đã phải di dời nhà cửa, bỏ lại quê hương bản quán, di dời về 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn của huyện Thanh Chương, để nhường đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.

Thời điểm đó, có 236 hộ có nguyện vọng được di dân tự do, nên đã được thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai. 2.674 hộ còn lại chuyển về khu tái định cư ở xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn, đến nay vẫn chưa được bồi thường diện tích đất chênh lệch giữa khu tái định cư và nơi ở cũ.

Theo lời một lãnh đạo huyện Tương Dương, là do các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương chưa hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nên chưa có số liệu tính bù trừ chênh lệch giá trị về đất nơi đi, nơi đến. Thậm chí công tác chia đất và cấp sổ đỏ cho người dân đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Còn đại diện UBND huyện Thanh Chương thì thông tin, do địa phương chưa hoàn thành công tác rà soát, cân đối lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã chia cho người dân, nên chưa thể kê khai để cấp sổ đỏ cho bà con. Đồng thời, do công việc này khá phức tạp nên tốn rất nhiều thời gian.

Người dân di dời để xây dựng thủy điện nhưng nơi ở mới quá ít đất sản xuất
Người dân di dời để xây dựng thủy điện nhưng nơi ở mới quá ít đất sản xuất

Bà Vi Thị Tâm, một người dân tái định cư tại xã Ngọc Lâm nói với chúng tôi, hồi xưa ở Tương Dương, ai cũng có diện tích đất sản xuất lớn, nhưng khi về đây thì được chia ít đất, nên bà con gặp rất nhiều khó khăn. “Cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri nào người dân cũng hỏi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy được đền bù. Xuống đây, cuộc sống khó khăn hơn, nên chúng tôi rất cần được đền bù để trang trải cuộc sống”, bà Tâm cho biết.

Trao đổi về vướng mắc tồn tại trên, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Tổ công tác để giải quyết tồn tại này. Qua kiểm tra thực địa và làm việc với các bên liên quan, Tổ công tác đã đề nghị UBND các huyện và chủ đầu tư thủy điện lập phương án bồi thường chênh lệch đất, để bồi thường cho những hộ dân đã hoàn thành việc đo đạc. Các hộ dân chưa có sổ đỏ, huyện cần đẩy nhanh tiến độ đo đạc, làm thủ tục để cấp sổ cho dân và làm căn cứ để bồi thường chênh lệch đất.

Đề nghị bồi thường phần đất trên cốt ngập nước

Mặc dù, Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương đã đi vào hoạt động từ năm 2010, nhưng vẫn đang vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập nước. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Bộ Công Thương để đề nghị, Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bồi thường, hỗ trợ đất trên cốt ngập ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ.

Đời sống khó khăn, nhiều gia đình ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương – Nghệ An) cửa đóng then cài, đi làm ăn xa
Đời sống khó khăn, nhiều gia đình ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) cửa đóng then cài, đi làm ăn xa

Nội dung văn bản đề cập, theo quy định hiện nay, các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ dự án thủy điện đủ điều kiện để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 5, Quyết định số 64 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. 

Cụ thể, tại khoản 3 quy định hộ tái định cư có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định số 112 năm 2008 của Chính phủ, chuyển đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ từ 5 km trở lên, bị thu hồi đất thì được bồi thường về đất. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.

Còn tại khoản 4 quy định hộ tái định cư và hộ gia đình bị ảnh hưởng có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Nghị định số 112 năm 2008 của Chính phủ, có khoảng cách từ nơi ở đến khu đất sản xuất dưới 5 km nhưng không có đường vào khu đất sản xuất đó, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 23 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg, thì các dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quyết định này.

Và Dự án thủy điện Bản Vẽ đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vào năm 2005 và được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), thống nhất quy định tạm thời về bồi thường, di dân tái định cư Dự án Thủy điện Bản Vẽ năm 2005. Theo đó, chỉ được bồi thường về đất đối với các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án (phạm vi ngập lòng hồ, dưới cao trình 200 m). Vì vậy, đối với các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ dự án này không đủ điều kiện lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi triển khai Dự án, những hộ dân có đất ở và đất sản xuất nông nghiệp nằm trên cốt ngập lòng hồ thủy điện đều phải di dời, không thể ở lại hoặc quay về sản xuất trên phần đất này.

Mặt khác, đến nay, công tác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất đối với Dự án Thủy điện Bản Vẽ vẫn chưa hoàn thành; UBND huyện Tương Dương cũng chưa phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ về đất để làm cơ sở bố trí kinh phí chi trả cho người dân. Do đó, cần thiết phải xem xét việc thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng trên cốt ngập để có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đi và nơi đến, tương tự như các hộ dân thuộc diện tái định cư trong phạm vi ngập lòng hồ.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.