Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Làng giáo viên

Thanh Hải - Nguyễn Hùng - 06:06, 23/11/2022

Những thế hệ đầu tiên của làng, là những công dân tứ xứ lên làm công nhân mỏ than Khe Bố (xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) từ những năm 70 của thế kỷ trước, lập nên. Dẫu cuộc sống khốn khó, nhưng chẳng ai nỡ để thế hệ tương lai phải theo kiếp “cha truyền con nối”. Bởi người làng - những công nhân, vẫn ngày ngày nuôi chí lớn, định hướng cháu con, rẽ ngoặt cuộc để trở thành... những người thầy dạy chữ.

Làng Mỏ bên bờ sông Lam
Làng Mỏ bên bờ sông Lam

Niềm tự hào của làng

Làng Mỏ là tên "cúng cơm", nhưng, lâu nay người dân quen gọi làng Mỏ Than, hay “làng giáo viên” hoặc “làng hưu” vì có nhiều người được hưởng lương hưu. Dẫu có rất nhiều tên gọi, nhưng người dân trong làng vẫn thích được dùng cái tên “làng giáo viên”, bởi đó là niềm tự hào.

Trưởng làng, ông Lê Văn Vỹ hồ hởi: Làng tui có 181 hộ, nhưng có những 108 người làm nghề dạy học. Trong đó, có gần 20 người đang là quản lý, hiệu trưởng hoặc hiệu phó các trường trên địa bàn. Có những ngôi trường như Trường tiểu học Tam Quang 1, cả hiệu trưởng lẫn 2 hiệu phó đều là con em làng Mỏ.

108 giáo viên? Tôi hỏi lại và ông Vỹ chắc nịch: Đấy mới là tính những người hiện có hộ khẩu trong làng, chưa kể nhiều trường hợp con em trong làng đi dạy rồi lấy chồng nơi khác hoặc những người ra trường được phân đi dạy xa quê, hiện đã chuyển khẩu. Nếu tính cả thì đông lắm, không xuể đâu. Hầu như nhà nào cũng có ít nhất 1 người làm nghề giáo.

Lâu nay, người ta biết đến huyện Tương Dương là địa bàn heo hút, xa xôi và rất khó khăn ở miền tây xứ Nghệ. Việc đi học đủ đầy đã là rất khó, nói chi đến chuyện theo nghề, theo nghiệp. Thành ra, so với những ngôi làng dưới xuôi thì con số đó là “hàng hiếm”, còn đối với bản làng vùng cao như Tương Dương quả là đáng nể.

Nhớ lại những tháng ngày lập làng, ông Vỹ kể: Làng Mỏ nằm ở tả ngạn sông Lam, dựa lưng vào dãy núi đá sừng sững. Gọi là làng Mỏ bởi, những năm 70 của thế kỷ trước, xí nghiệp khai thác than Khe Bố được đầu tư bài bản, thu hút hàng trăm công nhân trong tỉnh. Do đường sá xa xôi, những công nhân ấy đã đưa cả vợ, con từ quê lên rồi dựng nhà ở doi đất ven sông sinh sống. Nhiều công nhân sau khi về hưu, vì đã quen với cuộc sống rừng núi, cũng quyết định ở lại. Cứ như thế, làng Mỏ dần được hình thành.

Trưởng làng Mỏ cho biết: Ở đây, dường như thế hệ đầu tiên đều là cán bộ, công nhân mỏ than. Còn thế hệ thứ 2 hầu hết đều được bố mẹ định hướng đi làm nghề giáo. Chúng tôi hay gọi vui nhau là “đời công nhân nuôi những ông Đồ” là vì thế.

Ông Đạt là thế hệ đầu tiên của làng Mỏ, có 5 người con gái thì cả 5 đều đi làm giáo viên
Ông Đạt là thế hệ đầu tiên của làng Mỏ, có 5 người con gái thì cả 5 đều đi làm giáo viên

Đến năm 1985, làng Mỏ chính thức được thành lập, với khoảng 50 hộ dân. Ông Phan Văn Đạt, nay đã 74 tuổi, là 1 trong 50 hộ dân đầu tiên của làng. Vợ chồng ông Đạt từ Đô Lương lên định cư ở đây từ năm 1983. Họ có với nhau 5 người con gái thì tất cả hiện là giáo viên. Tính cả con rể, ông Đạt có đến 6 người chọn đi theo nghiệp cầm phấn. Ở làng Mỏ, những gia đình có đến 6 người con làm giáo viên như ông Đạt không hiếm, thậm chí có nhà đến 8 người.

Ông Phan Văn Đạt nhớ lại thời khốn khó, như là một động lực: Là công nhân nhưng lương thấp lắm, không đủ nuôi sống gia đình. Suốt ngày lầm lũi, nhem nhuốc trong hầm than mà không đủ ăn nên ai cũng muốn con cái mình thoát cái cảnh đó. Vì thế mà dù rất cực khổ, nhưng gia đình nào cũng đầu tư, động viên con em cố gắng học hành và định hướng cho các con theo nghề giáo vì nghĩ nó không vất vả như làm mỏ than, lại được trân trọng.

Nhấp ngụm chè xanh nóng hổi, ông Đạt trầm ngâm: Nhiều gia đình phải chạy ăn từng bữa, có thời điểm rau rừng đắp đổi qua ngày nhưng không ai bảo con nghỉ học. Như nhà tôi, có lúc đến 3 cô con gái cùng theo học đại học dưới thành phố Vinh. Con về thăm nhà, hay điện thoại về là giật mình, vì chúng sẽ báo hết tiền. Nhớ lại, vẫn không thể hiểu nổi vì sao chúng tôi lại có thể bám trụ được.

Làng mỏ có 181 hộ nhưng có 108 người làm nghề dạy học
Làng mỏ có 181 hộ nhưng có 108 người làm nghề dạy học

Những ông giáo trường làng

Đầu tư cho con cái đi theo nghề giáo, với hy vọng chính thoát khỏi cảnh làm công nhân mỏ vất vả của bố mẹ, nhưng người làng Mỏ lại không thể ngờ rằng, khi con cái ra trường, nghề giáo viên đi gieo con chữ ở huyện vùng cao Tương Dương lại còn gian nan, vất vả hơn cả làm công nhân mỏ. Cách nay chừng vài chục năm, có nhiều nơi ở huyện Tương Dương còn là vùng đất “lam sơn chướng khí”, đường sá đi lại khổ không nói hết.

Ông Đạt bộc bạch gia cảnh: Con gái đầu nhà tôi, sau khi ra trường được phân về dạy trong huyện, nhưng cách nhà gần 100 km. Khó khăn về phương tiện và đường sá khiến nó mỗi lần đến trường đều phải cuốc bộ. Trong khi đó, đồng lương giáo viên còn thấp hơn cả lương công nhân mỏ nên cũng có chút thất vọng. Nhưng, mấy đứa sau, tôi vẫn định hướng chúng đi theo nghề giáo, vì dù sao đó cũng là một nghề cao quý, được xã hội coi trọng.

Thầy Hoàn hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 1 và cả gia đình có đến 8 chị em đi theo nghề giáo
Thầy Nguyễn Hồng Hoàn hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 1. Gia đình thầy Hoàn có 8 anh chị em theo nghề giáo

Cách nhà ông Đạt một quãng là nhà của thầy Nguyễn Hồng Hoàn. Thầy Hoàn hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 1, còn vợ là Hiệu phó Trường Tiểu học Tam Quang 2 trong xã. Gia đình thầy Hoàn cũng có đến 5 chị em ruột đi theo nghề giáo, tính cả dâu và rể nữa là 8 người. Ngoài ra, thế hệ con cháu cũng đang có 5 người làm giáo viên. Chưa kể, con trai thầy Hoàn cũng đang theo học một trường sư phạm ở Hà Nội.

Tam Quang là xã có hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó có 78% là người Thái. Địa phương đã về đích nông thôn mới năm 2017. Toàn xã hiện có 311 người làm nghề giáo vẫn đang làm việc, chưa kể số lượng lớn đã về hưu hoặc chuyển đi nơi khác. Trong đó, làng Mỏ chiếm số lượng đông đảo.

Thầy Hoàn tâm sự: Chị em chúng tôi là những thế hệ thứ 2 ở làng Mỏ đi làm nhà giáo. Bố mẹ tôi chỉ mong con làm nghề giáo viên để bớt vất vả hơn. Nhưng không ngờ nghề này ở vùng cao lại còn khó khăn gấp bội. Có năm, tôi phải mất 4 ngày mới đi được từ nhà đến trường, dù trường nằm trong huyện. Đã hơn 30 năm ra trường, “quăng quật” ở nhiều trường vùng xa, đây mới là năm đầu tiên tôi được về công tác trong xã.

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, chia sẻ: Đồng lương ít ỏi khiến cuộc sống của những người giáo viên vùng cao này vẫn rất chật vật. Nhưng, điều mà họ luôn cảm thấy hạnh phúc là đã chấp nhận và vượt qua gian khó để gieo chữ và mang được tri thức đến với học sinh vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn.

Con đường đến làng Mỏ đã thuận tiện hơn nhờ có cây cầu vững chãi bắc qua sông Lam từ 10 năm trước. Con em làng Mỏ dù đi đâu thì vẫn nhớ mãi về ngôi làng “nhập cư” nghèo mà hiếu học, khốn khó mà chí lớn. Ở đó, luôn có những ông bố, bà mẹ, cả một đời công nhân lam lũ nhưng chưa bao giờ nguôi khát vọng vì một ngày mai tươi sáng cho con.