Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những thầy giáo "cõng xe" lên bản

Đào Thọ - 15:12, 01/04/2021

Những bước chân nhọc nhằn, những cái oằn mình để cố gắng đẩy được chiếc xe lốp quấn đầy xích leo dốc; và trên những cung đường ngoằn nghèo, trơn trượt ấy hằn đầy những rãnh sâu có thể khiến cho người đi xe bị quật ngã bất cứ lúc nào. Thế nhưng những giáo viên cắm bản ở vùng cao Nghệ An vẫn không chùn bước, bởi ở những bản xa xôi kia những em học trò nhỏ đang mong chờ thầy, cô...

Con đường vào bản gieo chữ của các giáo viên cắm bản huyện vùng cao Tương Dương
Con đường đến lớp của các giáo viên cắm bản thuộc huyện vùng cao Tương Dương

Nhiều năm làm giáo viên cắm bản ở Cà Moong (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương), những người như thầy Tuân, thầy Kiều, thầy Toàn… đã quen với việc "cõng xe" vượt núi để vào bản dạy học. Mới cách đây mấy ngày, khi tôi đặt chân đến bản nghèo nằm giữa lòng hồ của thủy điện Bản Vẽ thì tình cờ gặp các thầy đang trên đường từ bản Côi vào điểm trường. Cả người và xe đều lấm lem bùn đất, quần áo cũng bám dày một lớp bùn đặc quánh. “Bọn em vừa khiêng xe qua mấy chỗ nhưng đến đây thì chịu, đành để xe giữa đường rồi cuốc bộ vào trường thôi. Anh nhìn xem, núi lở như thế này ai dám đưa xe xuống được”, thầy Hoàng Mạnh Toàn vừa thở vừa nói một cách nhọc nhằn.

Ngồi bệt bên vệ đường để nghỉ lấy sức, thầy giáo Hoàng Mạnh Toàn kể: Tốt nghiệp ra trường, thầy được phân công lên dạy trên “ốc đảo” này. Mỗi lần về nhà rồi trở lại trường là mỗi lần cực nhọc, vất vả. “Mỗi khi mưa xuống, mấy anh em lại phải cùng nhau khiêng từng chiếc xe máy qua đoạn đường sạt lở để vào bản. Hôm nào trời mưa to quá thì phải gửi xe máy lại để đi thuyền vượt sông cho ăn chắc. Ấy vậy mà đi nhiều rồi cũng thành quen”, thầy Toàn chia sẻ.

Thầy giáo Lô Văn Tuân đã có 8 năm cắm bản dạy học tại xã Kim Đa, huyện Tương Dương
Thầy giáo Lô Văn Tuân đã có 8 năm cắm bản dạy học tại xã Kim Đa, huyện Tương Dương

Còn thầy giáo Lô Văn Tuân đã có 8 năm làm giáo viên cắm bản. Thầy Tuân quê gốc ở xã Kim Đa (huyện Tương Dương) nhưng nay gia đình đã di dời về xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) theo Dự án di dân tái định cư phục vụ xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ. 8 năm tình nguyện ở lại “ốc đảo” này, thầy Tuân hết chuyển từ Xốp Cháo sang Cà Moong, rồi lại từ Cà Moong sang Xốp Cháo để dạy chữ cho các em học trò.

Với thầy Tuân, việc cõng xe qua núi đã trở thành “chuyện thường ngày ở bản”. Thầy Tuân kể: “Tuần nào tranh thủ được, em lại vượt rừng hoặc thuê thuyền về nhà thăm vợ con một ngày rồi lại chạy lên ngay. Ở đây, mỗi lần có việc đi đâu đó, anh em trong trường phải bố trí đi cùng nhau để còn hỗ trợ nhau dọc đường. Nếu phải đi một mình rất nguy hiểm, lỡ bị ngã xe hay gặp trời mưa thì chỉ đứng một mình mà khóc thôi”.

Giờ ra chơi của học sinh điểm trường lẻ thuộc Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương)
Giờ ra chơi của học sinh điểm trường lẻ thuộc Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương)

Tại các điểm trường lẻ ở huyện Kỳ Sơn, giáo viên cắm bản cũng vô cùng vất vả mỗi khi có việc phải đi lại. Thầy Nguyễn Quốc Hội, giáo viên cắm tại bản Kèo Pà Tú (điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Bắc Lý 2) cho biết, từ trung tâm của xã Bắc Lý vào bản chỉ 15 km nhưng phải đi mất hơn hai giờ đồng hồ. Đây là điểm trường khó khăn nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn với con đường vào bản đoạn thì gập ghềnh, dốc dựng đứng, đoạn thì đất đỏ trơn trượt như đổ mỡ.

Với các thầy giáo cắm bản thì chuyện vật lộn với cung đường này đã trở thành quen thuộc. Vào những hôm trời mưa, muốn vào bản, các thầy giáo phải quấn xích vào lốp xe để hỗ trợ nhau cùng vượt qua đoạn đường vất vả.

Được dạy chữ cho các học trò nhỏ ở bản làng vùng cao là niềm hạnh phúc của những người giáo viên cắm bản
Được dạy chữ cho các học trò nhỏ ở bản làng vùng cao là niềm hạnh phúc của những người giáo viên cắm bản

Thầy Nguyễn Quốc Hội kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm vui rằng, lúc thầy mới có người yêu ở quê nhà, mỗi lần về Tết chở người yêu đi chơi, mở nắp cốp xe ra đổ xăng thấy đầy cả xích xe trong đó. Người yêu cứ thắc mắc không hiểu sao thầy giáo lại  "tích trữ" nhiều xích xe vậy? Thầy đành thú thật, mỗi lần về quê, đến tiệm sửa xe nào thấy họ vứt lại những chiếc xích thừa là thầy xin về bỏ vào cốp xe để dùng dần và mang lên trường tặng cho các đồng nghiệp.

Vất vả là thế nhưng những giáo viên cắm bản vẫn kiên trì, tâm huyết với con đường mình đã chọn lựa. Với họ, niềm hạnh phúc nhất là mang được cái chữ đến cho các học trò nhỏ nơi bản làng vùng cao.