Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi bóng đá "ngấm đòn" COVID-19

PV - 11:22, 22/07/2021

Bóng đá nước nhà đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn tại không ít bất cập. Lúc này, đối diện với dịch COVID-19 những hạn chế cố hữu đó bắt đầu nảy sinh.

Khán giả như một trong những “nguồn sống” cho bóng đá nước nhà nhưng xem ra chưa đủ hâm nóng các khán đài. Ảnh: Hoàng Linh
Khán giả như một trong những “nguồn sống” cho bóng đá nước nhà nhưng xem ra chưa đủ hâm nóng các khán đài. Ảnh: Hoàng Linh

Dịch COVID-19 đã và đang tác động đến từng ngóc ngách của đời sống xã hội. Bóng đá cũng không ngoại lệ khi lộ ra nhiều vấn đề, góc khuất, điểm yếu. Từ những chi tiết trong cung cách ứng biến lúng túng của cơ quan quản lý, điều hành trước dịch để liên tiếp phải "hỏi ý kiến", mới thấy được những lao đao mà nền bóng đá Việt Nam đang chống chọi.

Sẽ thấy lý do lớn nhất để các đội bóng giải thích cho việc không thể kéo dài mùa giải năm nay, đó là tổn hại về tiền bạc. Điều này cũng rất dễ hiểu, khi bóng đá ở ta chưa thể tự nuôi bóng đá. Gần như các CLB sống nhờ vào nguồn lực từ nhà tài trợ cộng với ngân sách địa phương. Bình thường, những ông bầu đã gặp khó, huống hồ bối cảnh dịch dã thế này thì không “hắt hơi sổ mũi” mới lạ.

Tất cả hiển hiện ra đấy. Từ chuyện Than Quảng Ninh nợ lương cầu thủ suốt mấy tháng qua, cho đến CLB Tây Ninh đành bỏ giải hạng Nhất vì thiếu tiền. Đó chỉ như một hai trường hợp để minh chứng. Đừng ngạc nhiên nếu sau đây còn có đội bóng sẽ “ngấm đòn” cho câu chuyện đầu tiên là “tiền đâu” để sống.

Vẫn biết dịch bệnh tác động khôn cùng nhưng cơ bản bóng đá nước nhà chưa có được sự tích lũy cho câu chuyện “tích cốc phòng cơ”. Các đội bóng gần như không có có ngân sách dự phòng, nguồn thu không đảm bảo, lợi nhuận từ khai thác giá trị thương mại kèm theo chỉ như “tiền lẻ” so với kinh phí bỏ ra hàng năm. Chung quy con số 50 đến 70 tỉ để duy trì hoạt động mỗi mùa chỉ đến từ 2 khoản cố định: Doanh nghiệp đầu tư- ngân sách địa phương.

Đấy còn chưa kể, không ít doanh nghiệp đổ tiền nuôi bóng đá để đổi lại lợi ích ngoài bóng đá. Không ít nhà đầu tư khi đã toại nguyện với mục đích của mình sẽ rút đi, để các đội bóng phải làm lại từ đầu. Mà như thế, những yêu cầu cơ bản nhất cho hoạt động của đội bóng còn chưa thể đảm bảo, nên khó đòi hỏi câu chuyện truyền thông, xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu nhằm “đẻ” ra tiền.

Câu chuyện không mới như thế đã trải qua 21 năm bóng đá nước nhà phát triển theo mô hình chuyên nghiệp nhưng lối ra hay lộ trình chỉn chu nhất vẫn chưa thấy. Thôi thì, cứ đi sẽ thành đường và đó là vấn đề dài hơi. Còn bây giờ đây, tạm gác lại những ý kiến đa chiều, những tranh luận rằng V-League 2021 sẽ ra sao để cùng siết tay nhau mà chống dịch.

2 năm qua, bóng đá Việt Nam luôn sống trong tâm thế “cộng đồng an toàn- bóng đá trở lại” thì lúc này hãy dành những tình cảm, nguồn lực tốt nhất chung tay vượt qua dịch dã đã. Bóng đá như lát cắt của đời sống xã hội, hẳn nhiên không thể đứng ngoài lề với câu chuyện thế sự lúc này khi cả nước đang oằn mình chống dịch. Đó đâu chỉ là tình cảm, còn cả trách nhiệm với cộng đồng.

Khi đã “ngấm đòn”, khi dịch dã qua đi, bóng đá Việt Nam phải và cần biết mình làm gì để dần dà thoát khỏi những trì trệ cố hữu lâu nay. Cụm từ chuyên nghiệp rất ngắn nhưng thực thi nó quả là quá dài./.