Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 9: Làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực xăng dầu

Thúy Hồng - 20:02, 12/10/2022

Chiều 12/10, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý IV năm 2022, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi báo chí quan tâm liên quan tới các lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại Họp báo
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại Họp báo

Phát biểu tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định: Trong 9 tháng năm 2022, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tiếp diễn trên toàn cầu, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn.

Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển

Toàn cảnh buổi Họp báo
Toàn cảnh buổi Họp báo

Nhìn chung, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… là những yếu tố tích cực tác động đến chỉ số sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước tăng cao.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo về tình hình chung tháng 9, phóng viên các cơ quan báo chí đã có các câu hỏi tập trung vào những lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương quản lý, đặc biệt tập trung vào một số vấn đề đang được dư luận quan tâm như công tác quản lý xăng dầu, chi phí đầu vào vận chuyển xăng dầu, vấn đề về số lượng thương nhân đầu mối, đề xuất biểu giá điện mới…

Lý giải về tình hình một số cây xăng ở các tỉnh phía Nam đóng cửa kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đồng - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Trong quý II, do giá xăng dầu tăng cao, các doanh nghiệp bị thua lỗ, một số doanh nghiệp giảm hoạt động kinh doanh cầm chừng. Một số doanh nghiệp bị tước giấy phép do vi phạm hành chính, một số doanh nghiệp chưa hoàn thành thủ tục thông quan điện tử, nên lượng dầu nhập khẩu bị hạn chế ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cung ứng cho các đại lý bán lẻ.

Nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí tham gia đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Công Thương
Nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí tham gia đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Công Thương

Bộ Công thương đã đề ra một số giải pháp để điều hành mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới.

Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá (BOG) một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu; đồng thời tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao. Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chi phí kinh doanh xăng dầu (nhất là mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam) để bảo đảm có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế phát sinh, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng cường nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.