Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chữa bệnh vô sinh cho cây thủy tùng

PV - 18:05, 21/05/2019

Thủy tùng là loài cây cổ xưa nhất thế giới. Ở Việt Nam hiện chỉ còn 162 cây tại tỉnh Đăk Lăk. Tuy nhiên, mấy chục năm qua, loài cây này lại mất khả năng sinh sản. Hàng nghìn nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc nghiên cứu để tái sinh thủy tùng. Mới đây, một tín hiệu vui đối với các nhà khoa học, khi kết quả bước đầu cây ghép trên gốc cây bụt mọc và ghép rễ thở của thủy tùng đang phát triển tốt.

Gian nan bảo tồn

Thủy tùng còn gọi là thông nước, thuộc loài đặc hữu rất hiếm mà cả sách đỏ thế giới và cả Việt Nam đặt vào tình trạng nguy cấp, được bảo vệ nghiêm ngặt. Các chuyên gia sinh học quốc tế cho rằng, cây thủy tùng được xem như loài hoá thạch sống xuất hiện cách đây hàng triệu năm. Trên thế giới, thủy tùng chỉ mọc rải rác ở Trung Quốc, Lào và nhiều nhất tại Việt Nam.

Hiện nay, chỉ có Việt Nam là có 2 quần thể thủy tùng tự nhiên, tại huyện Krông Năng và huyện Ea H’leo tỉnh Đăk Lăk. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 32/2006/NĐCP xếp Thủy tùng vào nhóm IA: Nghiêm cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố thủy tùng là một trong những loài cây đang ở cấp độ “rất nguy cấp”.

Thủy tùng ghép trên cây bụt mọc phát triển tốt. Cây thủy tùng ghép trên cây bụt mọc phát triển tốt.

Trạm Trấp Ksơr thuộc địa phận huyện Krông Năng quản lý bảo vệ 21 cây thủy tùng nguyên thủy, trong đó có 3 cây nằm ở vùng đệm nơi rẫy của người dân. Việc bảo vệ những cây nằm ở vùng đệm này được Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước (BQL KBT) khoán cho hộ dân có thủy tùng nằm trên đất sản xuất.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh quần thể thủy tùng Trấp Ksơr giữa trưa nắng, những cây thủy tùng nguyên thủy vươn cao vút, trội hơn hẳn hàng trăm cây cổ thụ trong khu rừng. Anh Trịnh Duy Hải, Phó Trạm trưởng Trạm Trấp Ksơr, (BQL KBT) giới thiệu cho chúng tôi từng cây thủy tùng mà anh và đồng nghiệp đang ngày đêm canh giữ. Anh Hải cho biết: “Chúng tôi chia ca trực 24/24 canh gác rừng thủy tùng nguyên thủy và chăm sóc những cây thủy tùng non được các dự án nghiên cứu bảo tồn zen thủy tùng trồng thử nghiệm. Tín hiệu đáng mừng là các cây con ghép dễ thở và ghép trên cây bụt mọc đều đang phát triển tốt”.

Năm 2010, hai quần thể thủy tùng gồm Trấp Ksơr và Ea Ral còn 300 cây. Năm 2012, số lượng cây thủy tùng đã bị giảm đi 1 nửa. UBND tỉnh Đăk Lăk thành lập Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài-sinh cảnh thủy tùng, từ đó đến nay, rừng thủy tùng được bảo vệ nghiêm ngặt chưa mất cây nào. Hiện nay, ở Đăk Lăk còn 162 cây thủy tùng gồm quần thể Ea Ral thuộc huyện Ea H’leo 140 cây, quần thể Trấp Ksơr thuộc huyện Krông Năng 21 cây do BQL KBT quản lý bảo vệ và 1 cây đứng chân trên đất nông nghiệp thuộc thị xã Buôn Hồ. Trong đó, cây cao tuổi nhất đến 700 tuổi, thấp nhất hơn 30 tuổi.

Tuy nhiên, đã hơn 30 năm nay thủy tùng không còn tái sinh tự nhiên nữa. Cây vẫn ra hoa kết quả và có hạt, nhưng không thể thụ phấn nên tất cả hạt đều lép mất khả năng nảy mầm, thủy tùng rơi vào trạng thái “vô sinh”.

Chữa bệnh vô sinh

Thủy tùng là loài cổ thực vật, theo thời gian môi trường sống thay đổi thì cây bị thoái hóa. Những năm qua, hàng nghìn nhà khoa học trên khắp thế giới đã tập trung nghiên cứu, tìm cách nhân giống những loài cây quý có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có thủy tùng, nhưng chưa đề tài nhân giống thủy tùng nào thành công.

Năm 2011, kỹ sư lâm nghiệp Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thử nghiệm phương pháp ghép chồi thủy tùng trên cây bụt mọc và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài thủy tùng tại Việt Nam”. Những cây thủy tùng ghép bụt mọc được trồng thử nghiệm ở cả hai quần thể thủy tùng nguyên bản và một số nơi khác trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.

Ông Nguyễn Văn Khương, Trạm trưởng Trạm Trấp Ksơr, BQL KBT cho biết: Hiện tại, BQL KBT đang trồng thử nghiệm có 3 mô hình tái sinh thủy tùng gồm: Thủy tùng ghép trên gốc bụt mọc của Tiến sĩ Trần Vinh. Năm 2014, trồng thử nghiệm tại trạm 130 cây, nay còn 60 cây phát triển tốt, cao khoảng 3m, đường kính 10cm; Viện Nông nghiệp nhiệt đới Gia Lai cũng thử nghiệm cấy mô trồng 70 cây nay còn chục cây nhưng sinh trưởng kém. Mô hình ghép rễ thở của BQL KBT cũng được thực hiện thử nghiệm, cây sinh trưởng phát triển tốt. Trồng năm 2015 nay cây đã cao 4m, đường kính 12cm.

“Tuy chưa biết chất lượng gỗ của thủy tùng ghép trên cây bụt mọc có như thủy tùng nguyên gốc hay không, cũng như còn phải theo dõi thêm những cây ghép trên rễ thở sẽ thế nào nếu cây mẹ già hoặc trưởng thành... nhưng trước mắt, những cây thủy tùng nhân giống bằng các phương pháp này đang phát triển rất tốt. Đó cũng là tín hiệu vui trong công tác bảo tồn loài cây quý này”, ông Nguyễn Văn Khương cho hay.

LÊ HƯỜNG