Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cảnh báo nguy cơ BA.4 và BA.5 trở thành biến thể chủ đạo tại châu Âu

PV - 20:50, 14/06/2022

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu khẳng định với diễn tiến dịch bệnh hiện nay, BA.4 và BA.5 sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Hai dòng phụ BA.4 và BA.5 không gây nguy hiểm hơn so với biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn
Hai dòng phụ BA.4 và BA.5 không gây nguy hiểm hơn so với biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 13/6 cảnh báo 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng khắp Liên minh châu Âu (EU) trong vài tuần tới.

Theo ECDC, mặc dù ở thời điểm hiện tại, phần lớn các nước EU đều ghi nhận tỉ lệ ca mắc 2 biến thể này ở mức thấp, song cũng có nước như Bồ Đào Nha ghi nhận số ca mắc 2 biến thể này tăng vọt.

Điều quan trọng là mặc dù 2 biến thể phụ này không khiến người nhiễm gặp phải biến chứng nặng do COVID-19, song vẫn có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong và điều này sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế.

ECDC khẳng định với diễn tiến dịch bệnh hiện nay, BA.4 và BA.5 sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại các nước EU.

Trong khi đó, Chính phủ Indonesia ngày 13/6 dự báo số ca nhiễm các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron tại nước này sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 7 tới, tức là một tháng sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.

Bộ trưởng Y tế Gunadi Sadikin cho biết dự báo trên được đưa ra dựa trên kinh nghiệm ứng phó trong các làn sóng lây nhiễm trước. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Sadikin nói: "Có thể trong tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 7 chúng ta sẽ ghi nhận số ca nhiễm BA.4 và BA.5 cao nhất".

Quốc gia Đông Nam Á này đã xác nhận 8 ca nhiễm các biến thể nói trên, trong đó có 3 ca nhập cảnh. 5 ca còn lại là lây truyền trong nước, tại Bali và thủ đô Jakarta. Chính phủ nước này hiện đang tiếp tục theo dõi các bệnh nhân khác có thể nhiễm biến thể này tại Jakarta, West Java, Banten và Bali.

Theo Bộ trưởng Sadikin, số ca nhiễm các biến thể dòng phụ nói trên đang gia tăng tại một số nước, nhưng tỉ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn nhiều so với dòng chính Omicron.

Tối 9/6, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin thông báo nước này đã phát hiện 2 biến thể phụ của biến thể Omicron là BA.5 và BA.2.12.1.

Trong dòng trạng thái được đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Khairy cho biết các nhà khoa học vừa giải mã 2 biến thể trên. Đây là lần đầu tiên các biến thể phụ này được phát hiện tại Malaysia. Bộ trưởng Khairy cũng cảnh báo, tính đến thời điểm hiện tại các yếu tố rủi ro vẫn được duy trì vì cả 2 biến thể phụ được cho là dễ lây lan hơn.

Trước đó, hôm 7/6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra khoảng 13% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong tuần gần nhất.

Cụ thể, theo ước tính của CDC, BA.4 gây ra 5,4% số ca mắc mới trong tuần kết thúc vào ngày 4/6, trong khi tỉ lệ này của biến thể phụ BA.5 là 7,6%. CDC cũng đã ghi nhận 2 biến thể phụ này đã xuất hiện tại tất cả các vùng ở Mỹ.

Một biến thể phụ khác - BA.2.12.1 - hiện là biến thể trội trên toàn nước Mỹ và chiếm tới 62,2% trong tổng số ca mắc mới tại nước này trong cùng thời gian nói trên.

Hồi trung tuần tháng 5, bà Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho biết dù 2 dòng phụ BA.4 và BA.5 không gây nguy hiểm hơn so với biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn. WHO vẫn đang theo dõi chặt chẽ BA.4 và BA.5 để xác định liệu 2 dòng phụ này có thể dần vượt qua BA.2 để trở thành dòng gây bệnh chủ đạo trên thế giới hay không và hiểu hơn về cách thức lây lan các dòng phụ tại những quốc gia từng trải quan làn sóng dịch bệnh do BA.2.

Tuy nhiên, WHO tiếp tục kêu gọi các chính phủ giám sát chặt chẽ tình hình lây lan các dòng phụ BA.2.12.1, BA.4, BA.5 và những biến thể mới có thể xuất hiện trong tương lai.

Hồi tháng 3 năm nay, WHO đã bổ sung BA.4 và BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát, trong khi ECDC liệt 2 dòng phụ này vào danh mục "các biến thể đáng lo ngại".

Trong một bản tổng hợp các nghiên cứu từ khắp thế giới, WHO cho biết tỉ lệ dân số có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021.

Theo WHO, hơn 2/3 dân số thế giới có thể đã có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể, có nghĩa là đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng.

Với sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh, tỉ lệ này hiện nay có thể thậm chí còn cao hơn.

Mặc dù vaccine chỉ có tác dụng phòng ngừa ở mức vừa phải đối với biến thể Omicron, WHO vẫn kêu gọi các quốc gia tăng tỉ lệ tiêm chủng, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi miễn dịch nhờ tiêm vaccine có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng cao hơn so với miễn dịch có được sau lần mắc trước đó.

Hầu hết các nghiên cứu cho thấy những người vừa mắc COVID-19 vừa được tiêm chủng có khả năng phòng ngừa tốt nhất đối với nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng, mặc dù vẫn chưa rõ kết quả này có đúng đối với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không.

Dữ liệu cho thấy lượng kháng thể COVID-19 ở trẻ em từ 9 tuổi trở xuống và những người trên 60 tuổi thấp hơn so với những người ở độ tuổi 20. Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn trường hợp có kháng thể là do đã từng mắc COVID-19 hơn là nhờ tiêm chủng.

WHO cho biết lượng kháng thể thường giảm dần theo thời gian và mức độ cũng như khả năng tồn tại của miễn dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do vậy, cần thực hiện thêm các nghiên cứu để xác định khả năng phòng ngừa giảm như thế nào./.