Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn đa dạng sinh học - nhìn từ Quảng Trị

Minh Thu - 15:20, 10/08/2024

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn ngừa các hoạt động săn bắt, buôn bán, vận chuyển và sử dụng động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, chú trọng công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên, đa dạng sinh học.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, tháo gỡ, tịch thu, tiêu hủy các dụng cụ dùng để săn, bẫy bắt các loài động vật hoang dã trái phép... thời gian qua, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Hoạt động gây nuôi động vật hoang dã được giám sát đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nuôi trong việc gây nuôi phát triển kinh tế.

Ông Phan Văn PhướcPhó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị,

Cũng như nhiều địa phương có rừng, tỉnh Quảng Trị hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học. Nhiều loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm đang trong tình trạng nguy cấp, số lượng giảm, một phần do nạn săn bắn, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Để đấu tranh, phòng ngừa, quản lý và bảo vệ động vật hoang dã, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân không săn bắt, tiêu thụ, vận chuyển và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tổ chức ký cam kết với các nhà hàng, quán ăn không tiêu thụ động vật hoang dã.

Như ở huyện Đakrông, để bảo vệ đa dạng sinh học trên diện tích rừng 37.000ha, gồm khoảng 1.452 loài thực vật bậc cao, 91 loài thú, 193 loài chim, 49 loài bò sát ếch, nhái, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (Khu BTTN) Đakrông đã xây dựng mô hình thí điểm phục hồi rừng dựa trên hợp tác chia sẻ lợi ích với cộng đồng tại tiểu khu 724A và 730 thuộc địa bàn xã Húc Nghì, huyện Đakrông.

Theo đó, đơn vị đã tiến hành khảo sát tại thực địa, lựa chọn 3 hộ gia đình để thí điểm thực hiện việc tham gia phục hồi rừng trên diện tích 5ha bằng việc lựa chọn hai loài cây dổi xanh và trẩu để phát triển rừng hỗn giao. Từ đó, tạo thêm lợi ích kinh tế cho hộ dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cây trồng và các sản phẩm lâm sản phụ thu từ loài cây này.

“Việc triển khai thí điểm mô hình tại Khu BTTN Đakrông là động thái đầu tiên trong việc tái tạo lại rừng, chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Qua đó, tạo thêm nguồn thu nhập từ trồng, chăm sóc rừng đặc dụng, tăng nguồn thu cho cộng đồng từ lâm sản phụ. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực và Khu BTTN Đakrông” - ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông chia sẻ.

Các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh thường xuyên tổ chức tuần tra, quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần được giao (Ảnh: Lê An).
Các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh thường xuyên tổ chức tuần tra, quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần được giao. (Ảnh: Lê An)

Tại huyện Hướng Hóa, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã chỉ đạo lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng song song với việc khoán bảo vệ hơn 9.100ha cho 171 hộ gia đình sống trong vùng đệm thuộc địa bàn 5 xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Linh và Hướng Sơn.

Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Đồn Biên phòng Hướng Lập, kiểm lâm địa bàn và lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức nhiều đợt tuần tra rừng; tổ chức tháo dỡ hơn 320 bẫy động vật rừng, phá hủy 1 lán trại trong phạm vi khu bảo tồn.

Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

Trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đang triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực về quản lý, giám sát đa dạng sinh học. Đồng thời, áp dụng công nghệ trong công tác tuần tra và bảo vệ rừng và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa. Thành lập các đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy, tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã...

Trong thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiển lâm tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành hồ sơ thả về môi trường tự nhiên 4 cá thể động vật rừng, với tổng trọng lượng 42,5kg. Tiếp nhận, tiến hành bàn giao 1 cá thể Tê tê có trọng lượng 0,12kg cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn quốc gia Cúc Phương.

Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đa dạng các loài chim.
Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đa dạng các loài chim

Theo ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, tháo gỡ, tịch thu, tiêu hủy các dụng cụ dùng để săn, bẫy bắt các loài động vật hoang dã trái phép... thời gian qua, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Hoạt động gây nuôi động vật hoang dã được giám sát đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nuôi trong việc gây nuôi phát triển kinh tế.

“Đây là những giải pháp thiết thực, cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Trị” - ông Phước chia sẻ.

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 248.189ha rừng, là vùng có tính đa dạng sinh học cao. Hệ động, thực vật phong phú, đa dạng với hơn 110 loài thú, 198 loài chim, 83 loài lưỡng cư, bò sát, hơn 72 loài cá và khoảng 2.152 loài thực vật. Trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như: gà lôi lam mào trắng, sao la, bò tót, mang lớn, thỏ vằn; đỉnh tùng, lan hài, trầm hương... Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 3 Khu BTTN; 2 khu rừng bảo vệ cảnh quan; 1 Hành lang đa dạng sinh học kết nối Khu BTTN Đakrông và Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, nhằm duy trì và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ các loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm nói riêng.


Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.