Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn, phát huy các giá trị đa dạng sinh học ở Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong

Minh Thu - 07:51, 03/07/2024

Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích hơn 22.210ha. Đây là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh đã được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đánh giá là 1 trong 200 trung tâm đa dạng sinh học toàn cầu. Hiện đang có 61 loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên quản lý, bảo tồn và giám sát biến động tại đây.

Voọc chà vá chân nâu - loài động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ được phát hiện tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong.
Voọc chà vá chân nâu - loài động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ được phát hiện tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong

Ứng dụng khoa học, công nghệ để bảo vệ rừng

Khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN) Động Châu - khe Nước Trong là nơi hiếm hoi trong toàn quốc bảo tồn được trên 50% (khoảng 10.000ha) diện tích rừng nhiệt đới thường xanh vùng núi thấp gần như còn nguyên vẹn. Hiện, tổng trữ lượng các loại rừng của KDTTN là 3.346.475,24m3 gỗ; riêng trữ lượng rừng đặc dụng 3.345.049,01m3 gỗ và rừng sản xuất 1.426,23m3 gỗ. Ngoài ra, KDTTN này còn có 1.030 loài thực vật thuộc 599 chi, 144 họ, 5 ngành thực vật bậc cao có mạch; 357 loài động vật có xương sống thuộc 251 giống, 97 họ, 26 bộ, trong đó 61 loài nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên quản lý, bảo tồn và giám sát biến động...

Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý KDTTN Động Châu - khe Nước Trong cho biết, thời gian qua, đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã, hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ, khai thác cây cảnh.

Điểm nổi bật, là Ban Quản lý KDTTN đã ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, như: Hoàn thành việc đánh giá công cụ METT, COPS, hoàn thành kế hoạch thu bẫy ảnh và tổng hợp dữ liệu ảnh; đánh giá hiện trạng động vật hoang dã khu dự trữ, áp dụng công cụ SMART Mobile vào tuần tra giám sát, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; xây dựng website của đơn vị; triển khai thực hiện tốt công tác giao khoán 17.392ha rừng đặc dụng và rừng tự nhiên sản xuất.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Quản lý KDTTN Động Châu - khe Nước Trong kịp thời phát hiện, tháo gỡ 21 tuyến bẫy, thu gom 959 bẫy các loại. Bên cạnh đó, đơn vị còn chăm sóc có hiệu quả gần 400ha rừng trồng có thời gian từ 1 - 3 năm bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật theo thiết kế được duyệt, cây trồng phát triển với tỷ lệ cây sống đạt trên 85%.

Đa dạng sinh học tại Động Châu - khe Nước Trong.
Đa dạng sinh học tại Động Châu - khe Nước Trong

Đặc biệt, thông qua việc phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tập huấn, ký cam kết, Ban Quản lý KDTTN Động Châu - khe Nước Trong đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, vai trò của rừng đối với các thôn/bản sống gần rừng, liền rừng. Nhờ đó, người dân đã dần hiểu vai trò, mục đích của công tác bảo vệ động vật hoang dã, các chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, có trách nhiệm trong việc chung tay bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rừng, Phòng cháy chữa cháy rừng...

Khu rừng hy vọng

Trong công tác bảo tồn, giám sát đa dạng sinh học, từ năm 2023 đến nay, BQL KDTTN Động Châu - khe Nước Trong tích cực phối hợp với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; thực hiện giám sát tuyến tác động, đặt bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học các loài chim trĩ sao, vượn Siki, chà vá chân nâu, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa… làm nền tảng dữ liệu ghi nhận thực tế quan trọng để xây dựng các kế hoạch bảo tồn.

Cây xanh cổ thụ trong rừng Động Châu - khe Nước Trong.
Cây xanh cổ thụ trong rừng Động Châu - khe Nước Trong.

Cùng với đó, thực hiện hợp phần “Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng” đạt hiệu quả, thời gian qua, BQL KDTTN Động Châu - khe Nước Trong đã thực hiện đào tạo nghề cho 20 người dân về công tác hướng dẫn, ẩm thực, văn hóa truyền thống, sử dụng dược liệu trong chăm sóc sức khỏe du khách; hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh kế chuỗi liên kết sản phẩm, như trồng nghệ đỏ, dong trắng; phát triển chăn nuôi giống bò, dê và trồng cây phân tán, trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tại các thôn, bản thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy...

Việc bảo tồn và phát huy giá trị giá trị thiên nhiên chính là một định hướng quan trọng nhằm hỗ trợ phát triển du lịch. Làm tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên chính là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Quảng Bình.

Động Châu - khe Nước Trong là một KDTTN mà tạo hóa đã ban cho tỉnh Quảng Bình - mảnh đất gắn liền với những chiến tích anh hùng lịch sử của con đường mòn nhánh Tây Hồ Chí Minh. Nơi đây sự giao hòa của rừng nguyên sinh khe Nước Trong, Sông Rào Chân, cùng với những ngọn núi cao trên 1000m và đa dạng nhiều loài động thực vật tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây sẽ là điểm đến phát triển du lịch gắn liền với thiên nhiên trong tương lai của phía Nam tỉnh Quảng Bình. KDTTN Động Châu - khe Nước Trong đã được các chuyên gia, các nhà khoa học gọi với cái tên trìu mến là “Khu rừng hy vọng”.


Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.