Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bài thuốc chữa bệnh từ cây cóc mẳn

Như Ý - 10:27, 28/10/2021

Cây Cóc mẳn trong dân gian còn được gọi là cỏ the, cúc mẳn, cúc ma, cây thuốc mộng, cây trăm chân, cóc ngồi (miền Nam); thạch hồ tuy, địa hồ tiêu, cầu tử thảo, nga bất thực thảo…có vị cay, tính ấm, không có độc. Cây cóc mẳn được biết đến với công dụng giúp trừ phong, tán hàn, tiêu viêm, giải độc, thông mũi họng và ngoài ra còn giúp trị chốc lở, eczema, rắn cắn…Sau đây là một số bài thuốc từ cây cóc mẳn mời bà con tham khảo.

Cây cóc mẳn được biết đến với công dụng giúp trừ phong, tán hàn, tiêu viêm, giải độc, thông mũi họng...
Cây cóc mẳn được biết đến với công dụng giúp trừ phong, tán hàn, tiêu viêm, giải độc, thông mũi họng...

Điều trị rắn độc cắn: Lấy 1 năm cây cóc mẳn tươi. Sau khi đã thực hiện các biện pháp sơ cứu, garo, tiến hành lấy cây thuốc tươi giã nát, vắt lấy nước cho nạn nhân uống, phần bã thuốc dùng đắp vào vết cắt, dùng vải mỏng cột lại. Sau đó chuyển bệnh nhân tới bệnh viện để cấp cứu.

Chữa nổi mẩn ngứa ngoài da do thời tiết thay đổi: Chuẩn bị cóc mẳn tươi liều lượng tùy thuộc vào diện tích da bị mẩn ngứa. Rửa sạch với nước muối, giã nát đắp lên chỗ da bị ảnh hưởng khoảng 30 phút. Thực hiện vài lần trong ngày để xoa dịu cơn ngứa ngáy khó chịu.

Phòng và trị cảm cúm: Cây cóc mẳn tươi 100g, đi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa thêm chút rượu trắng, chia làm 2 lần uống trong ngày, uống nhân lúc còn ấm.

Chữa trĩ lở loét sưng đau: Cóc mẳn tươi chuẩn bị khoảng một nắm, rửa sạch, có thể ngâm nước muối trước rồi rửa lại, giã đắp vào, dùng băng gạc cố định.

Chữa viêm da thần kinh: Cóc mẳn rửa sạch, giã nát rồi chà xát vào chỗ da bị bệnh, có tác dụng chống ngứa, tiêu viêm.

Chữa mẩn ngứa eczema: Cóc mằn 20g, đậu xanh 10g, thêm vào chút muối. Đem tất cả đi giã nhỏ đắp lên chỗ mẩn ngứa đã rửa sạch.

Chữa viêm mũi: Cóc mẳn tươi, rửa sạch, hong khô, giã nát vắt lấy nước cốt, nhỏ vào mũi ngày 1-2 lần, mỗi lần 2-3 giọt, khi nhỏ nằm ngửa 20-30 phút. Dùng liên tục trong 1 tuần – tương đương với 1 liệu trình. Sử dụng đều đặn khoảng 1-3 liệu trình để thấy kết quả.

Hoặc cóc mẳn tươi giã nát, làm thành viên tròn rồi nhét vào lỗ mũi.

Hỗ trợ chữa viêm phế quản mạn tính: Cóc mẳn tươi, bách bộ mỗi vị cân lấy 10g, lá hen 12g, trần bì 8g, sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang. Uống 10-15 ngày.

Điều trị bệnh ho gà: Chuẩn bị 15g cóc mẳn, bạch dược, quốc lão, cây dẹt ác mỗi vị 6g. Đem các vị trên rửa qua nước cho sạch. Cho tất cả vào siêu sắc thuốc cùng với 600ml nước. Sau khi ấm thuốc bắt đầu sôi mạnh, vặn nhỏ lửa tiếp tục sắc đến khi cạn còn 150ml. Gạn thuốc ra, hòa vào chút đường cho dễ uống. Chia thuốc làm 3 lần dùng. Một liệu trình cần uống thuốc liên tục trong 10 ngày, mỗi ngày 1 thang.

Ho do cảm cúm:Cóc mằn, lá xương sông, râu ngô, mỗi vị 40g, cho vào sắc lấy nước uống, ngày 1 thang. Uống liên tục trong 3 – 5 ngày.

Chữa ho gió (do ngoại cảm): Cây cóc mẳn khô cân lấy 15g khô, thêm vào 500ml nước, sắc đến khi còn 100ml, chia 3 lần uống trong ngày. Nếu bạn không có khô thì có thể dùng tươi với lượng khoảng 30g.

Điều trị đau mắt đỏ, mộng mắt: Cây tươi một nắm, một ít muối sạch đem rửa sạch, ngâm nước muối trong 15 phút sau đó vớt cây ra vẩy sạch nước, giã nát cây thuốc rồi đắp vào bên ngoài mắt. Cần phải nhắm mắt trong quá trình đắp thuốc, tránh bã thuốc làm ảnh hưởng tới mắt.

Lưu ý:

Phụ nữ mang thai không dùng được, đồng thời tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng vị thuốc này, tránh dùng sai cách hoặc dùng không đúng vị thuốc có thể gây hại cho cơ thể.

Thận trọng khi hái cây thuốc ở những bờ ruộng trồng hoa màu hoặc cây vụ đông, bởi sẽ có một số nơi dùng thuốc bảo vệ thực vật có thể gây hại cho cơ thể, nên hái và sử dụng cây mọc ở những bãi đất hoang, ruộng bỏ hoang sẽ an toàn hơn./.