Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tục làm vía của người Thái- Nghệ An

Nguyệt Anh (T/h) - 10:58, 15/07/2021

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An có những nghi lễ vòng đời mà ai cũng được trải nghiệm, đó là lễ làm vía. Người Thái thường tổ chức làm vía khi có trẻ chào đời, lúc con gái về nhà chồng, khi trong nhà có người thân bị mất, có người đi xa trở về, gặp tai nạn, ốm đau bệnh tật, phụ nữ sau khi sinh nở hay gọi vía về ăn tết.

Lễ vật trong lễ gọi vía không cần quá cầu kỳ, nhưng nhất thiết phải có bát cơm/gói cơm, cùng với một ít đồ dùng, vật dụng của người được gọi vía.
Lễ vật trong lễ gọi vía không cần quá cầu kỳ, nhưng nhất thiết phải có bát cơm/gói cơm, cùng với một ít đồ dùng, vật dụng của người được gọi vía. (Ảnh tư liệu)

Theo quan niệm của người Thái, từ khi sinh ra đến khi trở về với cát bụi, một người Thái phải có ít nhất hai lần được làm vía. Vía trong tiếng Thái là "khoắn" (hồn vía). Nghi lễ "làm vía" hay "gọi vía" (họng khoắn) là gọi hồn vía trở về nhà bố mẹ, vợ con, trở về với thể xác, để vía không đi lang thang nơi đất người, nơi bờ suối, bờ sông, bờ vực hay tránh xa các loài vật nguy hiểm trong rừng...

Chủ trì buổi làm vía thường do thầy mo thực hiện. Trước khi chuẩn bị lễ làm vía, gia chủ phải chuẩn bị các lễ vật như xôi, thịt gà, rượu... bày trên mâm để giữa sàn nhà. Thầy mo ngồi phía trước làm lễ, xung quanh là con cháu và họ hàng thân thuộc.

Tùy từng nghi lễ làm vía mà sự chuẩn bị lễ vật và nghi lễ cúng sẽ khác nhau. Đối với trẻ nhỏ mới sinh được 3 ngày sẽ được gia đình tổ chức lễ làm vía để cầu khấn cho đứa trẻ luôn được khỏe mạnh, ngoan ngoãn, nhanh lớn... Người Thái gọi lễ này là “Vắn ọc họ”. Lễ vật và nghi thức của “Vắn ọc họ” gồm có 2 con gà hoặc lợn, các đồ trang sức như vòng tay hoặc vòng cổ và đồ mặc sơ sinh của cháu bé rồi bỏ vào 1 cái mâm. Trước khi chuẩn bị cúng, người nhà nấu 1 nồi thuốc Nam và rót ra 9 bát cho người mẹ sơ sinh lần lượt uống trong lúc thầy mo khấn cúng những điều tốt lành cho đứa trẻ.

Khi đứa trẻ đã được 5 - 6 tháng tuổi thì người Thái lại tiếp tục tổ chức cúng vía mừng vui và cầu cho đứa trẻ khoẻ mạnh chóng lớn, tránh được ốm đau, tai qua nạn khỏi. Lễ làm vía này người Thái gọi là “Vắn chôm” hay còn gọi là vía mừng sự đầu thai.

Trong khi lao động hay đi đường nhiều lúc chẳng may gặp tai nạn, gặp phải thú dữ làm cho con người khiếp sợ (mất hồn, mất vía), dẫn đến yếu bóng vía hay giật mình, người Thái lại tổ chức làm vía để gọi hồn về. Lễ vía này gọi là “Vắn sên ” hay “Vắn òn".

“Vắn pớ mở”- Lễ làm vía cho cô dâu, chú rể trong ngày cưới
“Vắn pớ mở”- Lễ làm vía cho cô dâu, chú rể trong ngày cưới (Ảnh BNA)

Trong lễ cưới, khi đôi vợ chồng mới dắt tay nhau bước cầu thang lên nhà chồng thì mẹ chồng cùng các chị dâu và các bà mễ đón 2 vợ chồng vào trong buồng làm vía mừng dâu mới gọi là “Vắn pớ mở”. Lễ vật gồm có váy áo, khăn piêu, dây thắt lưng, vòng, dây, nhẫn, hoa tai và gối nệm, các đồ trang sức sẵn theo tục lễ. Tất cả lễ vật được đặt trong khu vực mâm lễ.

Khi có người thân chuẩn bị đi xa lâu ngày mới về hoặc người thân trong gia đình phải chia tay ra đi. Người ta cũng làm vía để người ra đi được mạnh khoẻ, may mắn, phấn khởi. Lễ này gọi là “Vắn chầu”. Bố mẹ hay các cụ già, nội, ngoại ở xa đến thăm con cháu, cũng được con cháu trả ơn bằng cách làm vía cho bố mẹ hoặc ông bà, để bày tỏ lòng cảm ơn và cầu chúc cho bố mẹ ông bà mạnh khoẻ sống lâu muôn tuổi. Lễ vía này người Thái gọi là “Vắn huổm ”

Khi có ông bà, cha mẹ hay người già trong nhà bị ốm đau dài ngày, để cầu mong cho người ốm chóng khỏi bệnh, mạnh khỏe, ngoài việc chăm sóc thuốc thang, người Thái không quên làm vía. Lễ vía này gọi là “Họng vắn chầu húa’’. Nghi thức và lễ vật gồm có chiếc áo của người già bị đau ốm, một gói gạo trắng, một cái giỏ bên trong đựng một con gà nhỏ và một thanh củi đang cháy đưa cho thầy mo. Thầy mo đến ngoài nhà bên đường hay đi rẫy, đi nương và đọc bài cúng khấn để đi tìm hỏi hồn vía người thân (ông bà tổ tiên) ở mường Trời hay ở nơi đâu thì về phù hộ, giúp đỡ hồn người ốm đau…

Các lễ vật trong lễ gọi vía được đồng bào Thái đặt ngay giữa gian nhà chính.
Các lễ vật trong lễ gọi vía được đồng bào Thái đặt ngay giữa gian nhà chính. (Ảnh TL)

Ngoài một số lễ vía đã kể trên, người Thái còn làm nhiều vía khác nữa. Tuy khác nhau về nghi thức, lễ vật nhưng tất cả các cuộc làm vía khi kết thúc bằng việc buộc chỉ cổ tay cho người được làm vía. Ý nghĩa của việc buộc chỉ cổ tay nhằm mang đến sự may mắn, tốt lành.

Tục làm vía hay gọi vía đến nay vẫn được nhiều gia đình người Thái ở Nghệ An bảo tồn như lưu giữ một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân vùng cao xứ Nghệ.