Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Tẳng cảu” của người phụ nữ Thái trong cuộc sống hiện đại

Văn Hoa - 10:00, 30/06/2021

Đối với người phụ nữ dân tộc Thái (Thái đen), tẳng cảu không chỉ là búi tóc lên đỉnh đầu, mà nó còn biểu hiện lòng thủy chung son sắt vĩnh viễn không thay đổi trong lối sống, đạo đức hôn nhân người Thái. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ Thái vượt ra khỏi bản làng để khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực công việc khác nhau, việc giữ gìn “tẳng cảu” của phụ nữ Thái là điều không hề dễ.

Tẳng cảu là sợi dây kết nối giữa tâm hồn người phụ nữ Thái với trách nhiệm của họ đối với gia đình. Ảnh Ca Chung
Tẳng cảu là sợi dây kết nối giữa tâm hồn người phụ nữ Thái với trách nhiệm của họ đối với gia đình. Ảnh Ca Chung

Với những người phụ nữ dân tộc Thái, búi tóc được gọi là  tẳng cảu (có nơi gọi là tẳng cẩu) gắn liền với nghi lễ quan trọng nhất của người làm dâu: Lễ tẳng cảu (búi tóc ngược) trong ngày cưới. Sau nghi lễ này, mái tóc được tẳng cảu không chỉ là vẻ đẹp của người phụ nữ Thái mà còn khẳng định sự thủy chung, kính trọng của họ đối với nhà chồng.

Ông Ca Chung, nhà nghiên cứu văn hóa Thái cho biết, khi nói về sự thủy chung của phụ nữ, người Thái có hai câu tục ngữ liên quan đến tẳng cảu như sau: “Nuốt tềm cãng xòn báo nhẵng đảy/ Pẳn cảu tẳng nả đén xòn xào báu pền” (có nghĩa: Râu đầy cằm giả làm trai vẫn được/ Tóc đã búi ngược giả làm gái sao nên); hay “Cỗn trãi pháư mĩ xòng mĩa hặn thảu/ Phủ nhĩnh pháư mĩ pẳn cảu nháư tạu tài” (nghĩa là: Đàn ông ước có hai vợ tận già/ Đàn bà ước có búi tóc ngược mượt đến chết).

Theo quan niệm của người Thái, tẳng cảu là dấu hiệu khẳng định người phụ nữ đã có chồng. Khi đã về làm dâu, mái tóc ấy vĩnh viễn không bao giờ được buông, bởi lời thề trọn một lòng thủy chung son sắt, chỉ khi chồng chết mới được thả búi tóc xuống và búi đằng sau thành bà goá. Đây chính là nét đẹp văn hoá truyền thống và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc, hôn nhân gia đình của người Thái.

Chính vì ý nghĩa đó, với nhịp sống hiện đại, trước yêu cầu trong thực tiễn cuộc sống và công việc, tẳng cảu hay không đang là bài toán khó với người phụ nữ Thái. Với công nhân, làm sao để mặc đồ bảo hộ lao động khi làm việc trong các khu công nghiệp; với phụ nữ công sở, làm sao phối đồ hiện đại với tẳng cảu;  khi tẳng cảu khó đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…

Để thích nghi với cuộc sống mới, nhiều phụ nữ Thái đã xin phép tổ tiên, bố mẹ và chồng để thả tóc tạm thời trong quá trình làm việc, sau đó họ tẳng cảu lại, hoặc khi mới về nhà chồng có thể xin phép không tẳng cảu từ đầu. Những người phụ nữ thả tóc không có nghĩa là họ quên đi phong tục ngàn đời, mà đơn giản để thích ứng với cuộc sống hiện đại. Việc sản xuất ra chiếc mũ bảo hiểm có chóp, đã giải được bài toán khó cho những phụ nữ vẫn muốn tẳng cảu khi tham gia giao thông.

Theo quan niệm của người Thái, khi đã về làm dâu, mái tóc Tẳng cảu vĩnh viễn không bao giờ được buông, bởi lời thề trọn một lòng thủy chung son sắt. Ảnh Ca Chung
Theo quan niệm của người Thái, khi đã về làm dâu, mái tóc tẳng cảu vĩnh viễn không bao giờ được buông, bởi lời thề trọn một lòng thủy chung son sắt (Ảnh Ca Chung)

Nói về nguyên nhân không tẳng cảu, Bà Lò Thị Luyến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên khóa XIV (nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên) cho biết: Do công việc bận rộn, bản thân bà không thể tẳng cảu mặc dù bà cũng lấy chồng người Thái.

 Khi lấy nhau, hai vợ chồng xin phép và được bố mẹ cả 2 bên nhất trí không tẳng cảu để thuận tiện cho công việc. Bà hay phải đi công tác nên việc giăng tóc phơi và búi tóc cầu kì mất khá nhiều thời gian. Mặc dù bản thân yêu truyền thống, rất thích tẳng cảu nhưng tôi đành chịu. 

Bà Luyến cho biết thêm, ngoài xã hội vẫn có 1 số ít phụ nữ Thái bỏ tẳng cảu xuống (khi hôn nhân không hạnh phúc, chạy theo văn hóa khác, do đặc trưng công việc...) còn những phụ nữ Thái biết lễ nghĩa, thì sau khi lấy chồng muốn bỏ  tẳng cảu xuống thì phải làm lễ xin tổ tiên (những người đã khuất), xin phép các cụ bề trên và chồng, khi nhất trí thì mới được bỏ tẳng cảu.

Có thể thấy rằng, cùng với thời gian, việc giữ gìn tẳng cảu của phụ nữ Thái đang có những thay đổi phù hợp với xã hội hiện đại, nhưng không làm mất đi nét đẹp văn hoá này. Ngoài chiếc áo cóm bó sát thân hình làm toát lên vẻ đẹp tinh khôi như đóa hoa ban nơi núi rừng Tây Bắc, mái tóc tẳng cảu luôn thể hiện vẻ đẹp sắt son trong tâm hồn của mỗi người phụ nữ Thái.