Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Khau cút” trên nóc nhà sàn người Thái

Nguyệt Anh (T/h) - 18:14, 06/07/2021

“Khau cút” là một biểu tượng trang trí trên nóc nhà sàn, nơi hai đầu hồi nhà của đồng bào Thái-Tây Bắc. “Khau cút” không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà, mà còn ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Biểu tượng Khau cút trên mái nhà người Thái (Ảnh TL)
Biểu tượng Khau cút trên mái nhà người Thái (Ảnh TL)

Ngôi nhà truyền thống của đồng bào Thái-Tây Bắc bao giờ ở hai đầu hồi cũng có cấu trúc khum khum như mai rùa. Tiếng Thái gọi là “tụp cống”, vừa tạo dáng, vừa gợi sự liên tưởng tới sự chắc chắn, bền vững. “Khau cút” gồm hai thanh gỗ bắt chéo nhau hình chữ X, đóng trên hai đầu đòn nóc-tiếng Thái là “tiêu bôn”. Trên “Khau cút” được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết như: Búp cây guột-“cút lo ngong”, hoa sen-“bók bua”, hình trăng khuyết- “bươn hai bín”...

“Khau cút” trước hết để chắn gió cho mái tranh hai đầu hồi-“pảy lốm”. Dần dần, bằng trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa của mình, các nghệ sĩ dân gian đã mô phỏng tự nhiên, tạo nên những hoa văn, họa tiết trang trí cho “Khau cút” có một vẻ hoàn hảo, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Người Thái đen dựng biểu tượng "Khau cút" bằng gỗ trên đầu nóc nhà sàn không những tạo sự chắc chắn cho mái nhà sàn, mà còn để con cháu sau này dễ dàng phân biệt, nhận ra bản làng, nhà cửa, dòng tộc của mình giữa các dân tộc khác. Biểu tượng "Khau cút" chứa đựng những góc nhìn nhân sinh quan, thế giới quan sâu sắc từ xa xưa của người Thái đen.

"Khau cút" có hình dạng rau dớn- loại rau nguồn gốc từ rừng, người Thái thường sử dụng để chế biến món ăn
"Khau cút" có hình dạng rau dớn- loại rau nguồn gốc từ rừng, người Thái thường sử dụng để chế biến món ăn

Nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Thái- Tòng Văn Hân (bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết, với đồng bào Thái đen ở Mường Thanh - Điện Biên, "Khau cút" có hình dạng rau dớn- loại rau nguồn gốc từ rừng, từ xa xưa người Thái thường sử dụng để chế biến món ăn. Mỗi “bông hoa” trên "Khau cút" là hình một ngọn rau dớn (phắc cút) cuộn tròn. Đồng bào Thái chọn hình ảnh rau dớn làm “chất liệu” cho biểu tượng khau cút nhằm gửi gắm vào đó ý nguyện cầu mong kinh tế gia đình phát triển, giàu có và khẳng định sự sinh tồn, thể hiện năng lực đấu tranh của con người trước thiên nhiên để tồn tại, phát triển.

Rau dớn được người Thái dùng làm chất liệu để trang trí Khau cút
Rau dớn được người Thái dùng làm chất liệu để trang trí "Khau cút"

"Khau cút" có nhiều dạng, phụ thuộc vào số lượng của “ngọn dớn” cách điệu được trang trí trên phần ngọn của thanh cái (“me cút”). Tuy nhiên, khau cút chủ yếu có 3 loại: loại 1 ngọn dớn, 3 ngọn dớn và 5 ngọn dớn. Chính số lượng “ngọn dớn” trên "Khau cút" là một dạng thức, một tín hiệu để khẳng định vị thế xã hội của chủ ngôi nhà sàn trong đời sống cộng đồng người Thái đen. Trước đây, gia đình nào giàu có về kinh tế, mạnh quyền lực, địa vị trong bản mường sẽ sử dụng "Khau cút" có 5 ngọn dớn; người kinh tế trung bình, đủ ăn, sử dụng "Khau cút" có 3 ngọn dớn; người gia cảnh nghèo khó dùng khau cút 1 ngọn dớn. Mang ý nghĩa phân cấp thứ bậc xã hội như vậy nên xa xưa, những gia đình giàu có khi dựng nhà sàn có khau cút loại 3 ngọn dớn, 5 ngọn dớn đều phải mổ gia súc, mở lễ ăn mừng khao dân bản.

Ngay trong chiếc khăn piêu- vật dụng chứa đựng vô vàn ý nghĩa nhân văn, nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái cũng có hình tượng biểu trưng của khau cút, nằm ở các góc của khăn piêu, được thêu bởi bàn tay khéo léo, sự thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ Thái. Hình ảnh "Khau cút" trên khăn piêu cũng mang sự cầu mong cho người con gái sử dụng khăn piêu cũng phát triển như khả năng sinh tồn, phát triển của rau dớn.

Ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đen có biểu tượng
Ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đen có biểu tượng "Khau cút" trên nóc nhà

“Khau cút” còn được trang trí hình hoa sen. Đồng bào Thái có câu: ““Khau cút” tẻm lai bua/Xinh dua tẻm lai én”, có nghĩa là “Khau cút” vẽ vân sen, đầu kèo vẽ vân én, như tiêu chí về vẻ đẹp của một ngôi nhà người Thái. Trên “Khau cút” còn có những hình trăng khuyết, từng đôi hướng vào nhau...

Nói về sự tích và ý nghĩa của biểu tượng “Khau cút”, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước. Có ý kiến cho rằng với trang trí họa tiết hoa sen, “Khau cút” có ít nhiều liên quan tới đạo Phật. Lại có ý kiến cho rằng, với họa tiết hình trăng, “Khau cút” gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái ở thế kỷ XI, anh em luôn nhớ về nhau...

Bản Che Căn của người Thái Đen ở Điện Biên hiện nay cũng không còn nhiều nhà sàn còn giữ được biể tương Khau cút trên nóc mái nhà
Bản Che Căn của người Thái Đen ở Điện Biên hiện nay cũng không còn nhiều nhà sàn còn giữ được biể tương Khau cút trên nóc mái nhà

"Khau cút" chứa đựng trong lòng nó những ý nghĩa, giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc và lịch sử lâu đời của người Thái đen nhưng hiện nay, tại các bản làng của người Thái đen ở Tây Bắc không còn nhiều ngôi nhà còn giữ được "Khau cút". Ngay tại lòng chảo Mường Thanh- thủ phủ của người Thái đen ở Điên Biên cũng chỉ có lác đác một vài ngôi nhà sàn còn sử dụng biểu tượng "Khau cút".

Trước thực trạng khau cút đang ngày càng mai một và biến mất trong đời sống, việc gìn giữ, bảo tồn hình tượng "Khau cút" để phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái đen là một việc làm cần thiết.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).