Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tiếp cận tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong công tác dân tộc: Bảo vệ tín ngưỡng đi liền xóa bỏ hủ tục (Bài 1)

Cù Hương - Khánh Thư - 07:23, 05/12/2023

LTS: Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được những thành tựu quan trọng trong bảo vệ, đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tinh thần của đông đảo quần chúng Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng bào các DTTS có nhiều phong tục, tập quán đã trở thành tín ngưỡng, trong đó có những phong tục lạc hậu không phù hợp trong đời sống hiện đại. Để vun đắp nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong quá trình bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cần kiên trì, kiên quyết xóa bỏ hủ tục.

Cuộc vận động “5 có - 5 không” trong vùng đồng bào dân tộc Mông đã góp phần thàm thay đổi đời sống đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La. (Ảnh: V.H)
Cuộc vận động “5 có - 5 không” trong vùng đồng bào dân tộc Mông đã góp phần thay đổi đời sống đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La. (Ảnh: V.H)

Vẫn còn tình trạng về niềm tin lạc hậu

Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Mỗi tín ngưỡng đều ra đời trong bối cảnh xã hội nhất định, được cộng đồng thừa nhận và tự giác tuân thủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, có những phong tục, tập quán, thói quen đã được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ cho đến ngày hôm nay, đã không còn phù hợp. Một bộ phận đồng bào không nhận thức rõ, không phân biệt được đâu là những phong tục tập quán tốt đẹp cần phải lưu giữ, phát huy; đâu là những yếu tố đã lỗi thời, lạc hậu, có hại cần phải được xóa bỏ.

Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, có những tín ngưỡng từng một thời để lại những hệ lụy rất đau lòng, đến nay dù đã được xóa bỏ nhưng vẫn còn ám ảnh. Như ở xã Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam), đồng bào Xê Đăng từng có hủ tục, sau khi sinh con, nếu người mẹ không may bị chết thì đứa bé phải bị chôn theo mẹ. Đồng bào tin rằng, nếu để cháu bé lại thì “hồn ma người mẹ sẽ về tìm con”, cháu bé sẽ là điềm gở mang đến nhiều điều xấu cho bản làng.

Cũng có những tập tục không phù hợp, tạo áp lực về kinh tế đối với đồng bào DTTS. Đơn cử ở vùng đồng bào dân tộc Mông, tập quán mổ nhiều trâu, nhiều bò trong đám tang đến nay vẫn duy trì ở một số địa phương, với niềm tin rằng, càng mổ nhiều thì người thân khi khi sang thế giới bên kia với tổ tiên sẽ có cuộc sống ấm no, sung túc. Nhưng sau tang sự, nhà khá giả thì hao hụt một khoản chi phí rất lớn; còn với hộ nghèo, hộ cận nghèo thì mắc một khoản nợ.

Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. (Trong ảnh: Lễ cầu mùa là một trong những tập quán xã hội gắn liền với tín ngưỡng của người Dao Tiền xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn )
Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. (Trong ảnh: Lễ cầu mùa là một trong những tập quán xã hội gắn liền với tín ngưỡng của người Dao Tiền xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn )

Gia đình ông Hờ A Của, ở bản Sơn Tra, xã Nà Bó (Mai Sơn, Sơn La) là một ví dụ. Là hộ nghèo của bản Sơn Tra, khi người thân mất, ông đã phải vay mượn khắp nơi mua bằng được 2 con trâu mộng, 1 con bò để làm đám theo đúng phong tục. Xong xuôi việc hiếu, để có tiền trả nợ, 2 vợ chồng phải cật lực làm đủ mọi công việc, nhiều lúc phải ăn củ sắn, củ mài trong hơn 2 năm mới tích góp đủ tiền để trả nợ.

Những niềm tin lạc hậu của đồng bào các dân tộc, đang từng bước được xóa bỏ từ nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn đó nhiều hủ tục trong đồng bào DTTS chưa được xóa bỏ, sẽ khó xóa bỏ nếu tiếp cận không đúng.

Theo TS. Vũ Thị Hà, cán bộ Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Phim Dân tộc học (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), xét ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng, thông qua hiệu quả vô hình không chứng minh được bằng khoa học, một bộ phận đồng bào vẫn tin vào sức mạnh của thần linh và các loại ma. Đối với họ, những ốm đau, tai ương là sự cảnh báo về những việc làm không đúng, những vi phạm của con người... để từ đó, con người phải cậy nhờ, cầu xin các vị thần linh trợ giúp. Với những nhận thức đó, họ không chối bỏ các nghi lễ mà chỉ điều chỉnh để các nghi lễ phù hợp hơn với hoàn cảnh của riêng mình.

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, nhưng kiên quyết bài trừ hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng tới sức khỏe, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Để đưa chủ trương đó vào cuộc sống, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những cách làm sáng tạo, vừa lưu giữ được bản sắc văn hóa, trong đó có tín ngưỡng truyền thống, vừa xóa bỏ được hủ tục trong đời sống của đồng bào DTTS.

Như ở Sơn La, là địa phương có 633 bản người Mông, trong đó có 9 xã thuần dân tộc Mông sinh sống, với 19 nghìn hộ, khoảng 119 nghìn người, chiếm 12,9% dân số toàn tỉnh. Từ tháng 3/2007, sau Hội nghị bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, Người có uy tín, Ủy ban MTTQ tỉnh Sơn La đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai cuộc vận động “5 có - 5 không” trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Một trong “5 không” của cuộc vận động là không hủ tục lạc hậu, trong đó có hủ tục ma chay.

Hát múa mừng lễ vào nhà mới của dân tộc Lào. (Ảnh Tào Đạt)
Hát múa mừng lễ vào nhà mới của dân tộc Lào. (Ảnh Tào Đạt)

Trên thực tế, cũng như các dân tộc khác, tang ma của đồng bào bào Mông là một nghi lễ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tri ân giữa người sống với người đã mất. Trong tang ma, đồng bào Mông có những tập quán tốt đẹp như: Khi bố mẹ qua đời, mỗi người con trai, con gái đều phải cho bố mẹ một bộ quần áo mới, một con lợn làm của cải mang về dưới âm để làm ăn; bà con làng xóm mỗi người mang sang một thồ thóc, một chai rượu, một bó hương để làm lễ phúng viếng;…

Với cách làm “gạn đục, khơi trong”, cuộc vận động “5 có - 5 không” của tỉnh Sơn La đã tập trung tuyên truyền đồng bào giữ gìn, phát huy những tập tục tốt đẹp; đồng thời thay đổi trong phúng viếng đám tang không đi lễ, trả lễ bằng đại gia súc gây tốn kém; thực hiện đưa người chết vào áo quan ngay khi làm lễ tang tại nhà; không tổ chức đám tang dài ngày (không quá 48 tiếng); không giết mổ nhiều gia súc…

Việc xóa bỏ những hủ tục trong ma chay đầu tiên là mang lại lợi ích cho đồng bào, trước hết về kinh tế. Như chia sẻ của anh Pùa A Vư, ở bản Căng Tỵ, xã Chiềng Khừa (Mộc Châu, Sơn La), làm đám tang theo hướng văn minh, tiến bộ đỡ tốn kém rất nhiều.

Anh Vư chia sẻ, năm 2009, khi bố mất, gia đình anh mổ 4 con bò, 1 con trâu, chi phí khoảng 100 triệu đồng. Trong 5 ngày để tang, mỗi ngày gia đình mổ 3 con lợn, cộng các chi phí khác hết gần 19 triệu đồng. Tính chung trong 5 ngày làm ma, tổng chi phí gia đình bỏ ra gần 150 triệu đồng. Nhưng nếu làm ma theo cuộc vận động “5 có - 5 không”, chỉ để tang 2 ngày, cho người mất vào áo quan; không mổ trâu, bò, lợn thì tổng chi phí chỉ hết khoảng 30 – 40 triệu đồng mà vẫn bày tỏ được đạo lý với người đã khuất.

Dẫn chứng của anh Pùa A Vư là một thực tế sinh động của việc bảo tồn văn hóa truyền thống gắn liền với xóa bỏ hủ tục trong đồng bào DTTS. Những năm qua, với chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống kinh tế cũng như tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt; những tín ngưỡng tốt đẹp của đồng bào đã được gìn giữ, phát huy.

Tuy nhiên, làm thế nào để đồng bào vừa lưu giữ được bản sắc văn hóa, trong đó có tín ngưỡng truyền thống, vừa xóa bỏ được hủ tục cần một nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc hơn nữa của các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chiến lược công tác dân tộc; từ đó có giải pháp để tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc, đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Hiện nay, ở Việt Nam có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, như: Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt.