Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hơn 20 năm bài học cảnh tỉnh từ hoạt động tôn giáo trái phép ở Điện Biên: Huổi Khon - Một quá khứ buồn (Bài 1)

Trương Hữu Thiêm - 01:53, 26/11/2023

Chừng hơn hai chục năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung và một số huyện vùng sâu, biên giới nói riêng, hiện tượng người dân tin theo những tín ngưỡng, tôn giáo một cách mơ hồ và trái phép... vẫn đang thực sự là một “vấn nạn”, làm cho cuộc sống các làng bản vốn yên bình bỗng trở nên phức tạp và đôi khi tình hình cũng là bất ổn...Vụ việc xảy ra ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) năm 2011, là bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho những người dân nhẹ dạ theo những hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở Điện Biên

Cuộc tụ tập trái phép của gần 7.000 người tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tháng 04.2011 (Ảnh tư liệu).
Cuộc tụ tập trái phép của gần 7.000 người tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tháng 04.2011 (Ảnh tư liệu).

Chẳng phải một sớm một chiều, mà vấn đề có những người dân cả tin và nghe theo những lời tuyên truyền tín ngưỡng nhảm nhí, xuyên tạc đã có từ lâu lắm rồi. 

Hẳn nhiều người chúng ta chưa thể quên sự việc xảy ra tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5/2011. Trên những triền đồi biên giới khuất nẻo ở đây, hàng trăm lán trại tạm bợ được dựng lên vì một niềm tin ngây thơ, phù phiếm: Đón vua ra! Vốn dĩ lúc ấy bản Huổi Khon chưa chia tách như hiện nay, có tất cả 97 hộ dân, với 568 nhân khẩu nếu tính tất cả già trẻ gái trai. 

Thế mà bỗng dưng “cơn bão” đón vua đã cuốn về đây hàng mấy nghìn người xa lạ, với một khát vọng thật phiêu lưu, tội nghiệp, rằng vua sẽ giáng trần để đưa họ tới miền cực lạc không làm lụng gì mà vẫn rượu thịt thoải mái quanh năm!

Đó là lý do khiến hàng nghìn người Mông từ nhiều huyện trong tỉnh và từ nhiều tỉnh trong nước: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng... và xa hơn nữa là tận Gia Lai, Đắc Lắc... dắt díu nhau về “vùng đất hứa” Huổi Khon với ước mơ “đổi đời” mong manh.  Những kỷ niệm thiêng liêng nơi chôn nhau cắt rốn đã không đủ sức nặng để níu giữ những bàn chân ra đi vì những lời đồn xằng bậy, vu vơ, hiểm độc và bịp bợm.

Và rồi, trên ngọn đồi bình thường như muôn vàn ngọn đồi khác, đám người tứ xứ, ô hợp sống lay lắt trong những lều bạt dựng vội. Thiếu nước uống, thiếu cơm ăn, không có điện thắp sáng, không có dịch vụ y tế và nói chung là không có những điều kiện tối thiểu cho cuộc sống tạm lúc sa chân. Trong khi xú uế tràn ngập khắp nơi, nóng bức, đói khát, nghiện hút, trộm cướp và khi mà vua chưa kịp đến, thì thần chết đã có mặt. 

Thần chết cướp đi mạng sống của một một bé gái 3 tuổi, trước sự bất lực của niềm tin về một sức mạnh siêu nhiên tiềm tàng và vô địch. Thương thay, thi hài cháu bé được vùi lấp sơ sài dưới chân đồi Huổi Khon. Không có quan tài, không có khói hương và thậm chí không có cả giọt lệ tiếc thương nào rơi xuống, vì bố mẹ cháu tin rằng con mình là người đầu tiên may mắn được... lên trời!...

Hàng trăm lán trại được dựng lên vì một niềm tin nông nổi (Ảnh tư liệu tháng 04.2011).
Hàng trăm lán trại được dựng lên vì một niềm tin nông nổi (Ảnh tư liệu tháng 04.2011).

Hôm nay, nhắc lại sự việc đã qua, ông Sùng A Kỷ, 59 tuổi, dân tộc Mông (nguyên Trưởng bản Huổi Khon thời điểm đó) cho biết: Bản Huổi Khon lúc đó có tất cả 97 hộ, nhưng chỉ 4 hộ đi theo bọn họ thôi. Huổi Khon bây giờ bình yên trở lại như mọi làng bản khác, bà con hăng hái lao động sản xuất, tự mình tạo ra của cải chứ không tin lời nhảm nhí của chúng nó. 

Theo ông A Kỷ, hầu hết là dân ở nơi khác bị lừa gạt, dụ dỗ đến đây. Bọn họ lợi dụng vị trí xung yếu của bản Huổi Khon là nơi giáp với các xã Pá Mỳ và Na Cô Sa; từ Huổi Khon có thể quan sát được khu vực trung tâm xã Nậm Kè và Đồn Biên phòng 411... Đó là những yếu tố mà bọn cầm đầu đã tính toán kỹ, trước khi có cuộc tụ tập dân chúng bất hợp pháp trong suốt 1 tuần lễ. Tuy nhiên, bọn chúng đã thất bại khi mà đồng bào nhận ra chân tướng của những thủ đoạn lừa bịp, nhằm chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc.

Lợi dụng chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta, vấn đề truyền đạo trái phép ở huyện Mường Nhé nói chung và xã Nậm Kè nói riêng vẫn luôn phức tạp. 

Rất may, dù muốn dù không quy luật vẫn cứ là quy luật; quá trình diễn tiến của sự vật tự nó đã nhanh chóng bộc lộ hết chân tướng, tự nó phơi bày hết dã tâm của nó. Hoạt động truyền đạo chẳng qua chỉ là bức bình phong giả tạo, nhằm che đậy những mục đích chính trị đen tối. Đó là khúc dạo đầu nhạt nhẽo của bản nhạc lạc điệu có tên là: “Diễn biến hòa bình” và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, do các thế lực thù trong giặc ngoài cấu kết thực hiện...

Ngạn ngữ người Mông có câu: “Giàu đi (di cư tự do) nhiều sẽ nghèo, nghèo đi nhiều sẽ chết” - Đó là chân lý được đúc kết từ nghìn đời các thế hệ người Mông. Hơn ai hết, những người Mông từ khắp nơi tụ tập về Huổi Khon, tự họ nhận được hơn một bài học về việc làm “gửi trứng cho ác”, mang số phận mình, gia đình mình, làng bản mình “thế chấp” rẻ rúng vào những chuyện đẩu đâu. 

Sung sướng chờ mãi chả thấy và bây giờ thành ra tay trắng. Ruộng nương bán hết, nhà cửa bán hết, trâu bò bán hết, mà vua thì chỉ như một bóng ma len vào nỗi đau tự mình rước họa vào thân. Ngay cả số tiền nộp cho bọn trưởng đạo cũng không thể đòi lại, vì như chúng nói thì chúng cũng nộp cho ai đó mất rồi...