Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg ở Đăk Lăk: Nhìn đâu cũng vướng

PV - 15:08, 24/07/2019

Việc triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ở Đăk Lăk đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong điều kiện kinh phí được bố trí để thực hiện, mỗi địa phương lại đối diện với những vướng mắc đặc thù không dễ tháo gỡ.

Khó chuyển đổi nghề

Buôn Đôn là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Đăk Lăk. Tính đến tháng 4/2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn 34,69% (5.611 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 13,01% (2.104 hộ).

Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, theo kết quả rà soát của Phòng Dân tộc, toàn huyện có 263 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, 1.157 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề, 307 hộ có nhu cầu về đất ở và 744 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt; tổng vốn để thực hiện là gần 10,85 tỷ đồng.

Phóng viên trao đổi với người dân thôn Thống Nhất, xã Krông Na (Buôn Đôn) ngày 19/7/2019. Phóng viên trao đổi với người dân thôn Thống Nhất, xã Krông Na (Buôn Đôn) ngày 19/7/2019.

Đối chiếu số liệu trên cho thấy, số hộ có nhu cầu về đất sản xuất ở Buôn Đôn là không nhiều; trong khi số hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề là rất lớn. Mặc dù vậy, để bố trí được đất sản xuất cho các hộ có nhu cầu không phải là vấn đề dễ dàng.

Như ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na, cả thôn có 145 hộ thì tất cả đều thiếu đất sản xuất; thu nhập của các gia đình trong thôn đều từ việc đi làm thuê nên toàn thôn hiện vẫn còn 78 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo. Thực trạng này đã được lãnh đạo xã tìm cách giải quyết từ nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn là bài toán rất khó giải.

Ông Sao Y Me, Bí thư Đảng ủy xã Krông Na, cho biết: “Vấn đề là quỹ đất của xã không còn. Để hỗ trợ được đất sản xuất cho bà con, xã cũng đã đề nghị huyện, tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng phòng hộ nghèo kiệt sang làm đất sản xuất để giao cho bà con, nhưng chưa được chấp thuận”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Krông Na, xã cũng đã nhiều lần vận động bà con thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề để có việc làm; nhưng những hạn chế từ các lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956 thời gian qua khiến bà con không muốn tham gia học nghề để chuyển đổi sinh kế. Hơn nữa, kinh tế của xã hoàn toàn thuần nông nên rất khó chuyển đổi; các lớp đào tạo nghề cũng chỉ là các nghề nông nghiệp, không thể mở các nghề phi nông nghiệp để hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề.

Chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Krông Na trùng khớp với ý kiến của người dân ở thôn Thống Nhất. Bà con trong thôn đều mong muốn được hỗ trợ đất sản xuất để có sinh kế ổn định.

Chị H: Phan RyA, dân tộc Ê-đê, ở thôn Thống Nhất, cho biết: “Dù đất ở đây có xấu đi nữa thì bà con vẫn muốn được hỗ trợ để sản xuất. Chứ chuyển đổi nghề không phù hợp đâu”.

Đất sản xuất vẫn là vấn đề căn cơ

Không chỉ riêng ở Buôn Đôn mà ở nhiều địa phương khác của tỉnh Đăk Lăk vẫn còn rất nhiều hộ đồng bào DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng thiếu quỹ đất là một thực tế xảy ra lâu nay.

Để khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất, tỉnh Đăk Lăk chú trọng thực hiện chuyển đổi nghề, hỗ trợ con giống để đồng bào DTTS phát triển chăn nuôi đại gia súc tăng thu nhập. Nhưng việc hỗ trợ con giống để tăng thu nhập cũng là vấn đề cần lưu ý.

Đồng bào DTTS ở Đăk Lăk vẫn muốn được hỗ trợ đất sản xuất. (Trong ảnh: Dù đất sản xuất xấu, chị H: Phan RyA, ở thôn Thống Nhất vẫn mong muốn được hỗ trợ để có sinh kế ổn định). Đồng bào DTTS ở Đăk Lăk vẫn muốn được hỗ trợ đất sản xuất. (Trong ảnh: Dù đất sản xuất xấu, chị H: Phan RyA, ở thôn Thống Nhất vẫn mong muốn được hỗ trợ để có sinh kế ổn định).

Như chị H: Phan RyA, dân tộc Ê-đê, ở thôn Thống Nhất (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), năm 2013, chị được hỗ trợ một con bò giống để chăn nuôi. Nhưng đến nay con bò của chị mới sinh được một con bê chưa thể bán để có thu nhập. Chồng chị là Y Hắt Ayun vẫn phải đi cắt cỏ, phun thuốc thuê để có 200 nghìn đồng/ngày nuôi 2 con nhỏ cùng các chi phí sinh hoạt khác.

Nêu lên như vậy để thấy, việc hỗ trợ con giống để đồng bào DTTS phát triển chăn nuôi đại gia súc là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đa số các hộ thiếu đất sản xuất, không có sinh kế đều phải chạy ăn từng bữa; trong khi chăn nuôi đại gia súc cần thời gian dài mới đem lại thu nhập.

Về lâu dài, việc hỗ trợ con giống để bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc là bước đi phù hợp. Nhưng trước mắt, các địa phương của tỉnh Đăk Lăk cần rà soát lại quỹ đất để giải quyết đất sản xuất cho những hộ có nhu cầu nhất. Bởi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều diện tích đất thuộc các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng chưa đạt hiệu quả cần thiết phải thu hồi. Có đất sản xuất thì sinh kế của bà con mới bền vững; góp phần tăng hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất khác.

SỸ HÀO