Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thừa Thiên-Huế: Nỗ lực giảm nghèo, phát triển bền vững vùng DTTS

MINH THỨ - 10:32, 09/10/2019

Thời gian qua, với sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trong thực hiện các Chương trình quốc gia đã góp phần làm thay đổi bức tranh kinh tế-xã hội, nhận thức và cuộc sống của người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Mô hình trồng chuối của người dân miền núi Thừa Thiên-Huế cho thu nhập cao.
Mô hình trồng chuối của người dân miền núi Thừa Thiên-Huế cho thu nhập cao.

Thừa Thiên-Huế có 2 huyện miền núi và 4 huyện, thị xã có đồng bào DTTS sinh sống, 34 xã có đồng bào DTTS, 12 xã vùng biên giới. Dân số toàn vùng là 121.248 người, trong đó người DTTS là 54.534 người.

Trên địa bàn tỉnh có 8 dân tộc anh em sinh sống, gồm Tà Ôi, Cơ - tu, Bru - Vân Kiều, Hoa, Mường, Thái, Thổ. Mặc dù cuộc sống và các điều kiện kinh tế-xã hội (KT-XH) còn khó khăn, nhưng thời gian qua, với sự nỗ lực của Nhân dân cùng với các chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước nên đời sống và diện mạo các bản làng vùng miền núi nơi đây có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, chương trình phát triển kinh tế các vùng DTTS, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư nhằm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cho công cuộc giảm nghèo bền vững. Một trong các lĩnh vực mà tỉnh đặc biệt quan tâm là phát triển kinh tế bảo đảm an sinh cho người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Để tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo, Ban Dân tộc đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức khảo sát, quy hoạch để bố trí đủ quỹ đất sản xuất cho người dân, từ đó tạo điều kiện cho bà con tổ chức sản xuất tăng giá trị thu nhập… Hằng năm, bằng nguồn vốn của tỉnh và Trung ương trong việc hỗ trợ sản xuất tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan hỗ trợ cho người nghèo hàng ngàn con giống, cây giống có giá trị… Với sự phối hợp của ngành Nông nghiệp, nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình sản xuất hiệu quả như, mô hình trồng ớt, bưởi, dứa… cho thu nhập cao, từ đó nhân rộng để người dân làm theo.

Tỉnh đã dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho vùng miền núi và vùng DTTS. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, kiên cố hóa vững chắc. Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan tiến hành xây dựng 151 công trình giao thông nông thôn, 23 công trình thủy lợi, 24 công trình nhà văn hóa cộng đồng, 10 công trình nước sinh hoạt… Hiện 100% xã, thị trấn đều có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống trạm y tế và trường học cũng được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và học tập của Nhân dân.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, cuộc sống đồng bào các dân tộc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS sinh sống chỉ còn 25,52%, giảm bình quân hằng năm 4,5%.

“Hai Chương trình mục tiêu quốc gia là Giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới (NTM) luôn là lĩnh vực được tỉnh, Ban Dân tộc và các ban, ngành địa phương quan tâm”, ông Hồ Xuân Trăng khẳng định.

Bên cạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng được quan tâm đầu tư. Với sự đầu tư của Nhà nước và phát huy nội lực của Nhân dân, Chương trình xây dựng NTM khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, ở khu vực này đã có 8 xã về đích xây dựng NTM, các xã còn lại đều đạt từ 11/19 tiêu chí trở lên.

Mặc dù đang còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, nhưng những nỗ lực giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thừa Thiên-Huế trong thời gian qua là đáng ghi nhận. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp chính quyền, ban, ngành các địa phương sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, hạn chế huy động tối đa mọi nguồn lực để giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.