Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Văn bản chính sách

Chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển: Giải pháp để giảm nghèo bền vững

SỸ HÀO - 10:22, 02/10/2019

Thời gian qua, để giảm nghèo vùng DTTS và miền núi, một hệ thống chính sách đã được ban hành, nguồn lực bố trí thực hiện cũng không hề nhỏ. Nhưng do hầu hết các chính sách mới chỉ tiếp cận ở góc độ hỗ trợ nên kết quả giảm nghèo còn thiếu bền vững. Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội được Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới thay đổi cách tiếp cận chính sách, từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển, đem lại nhiều kỳ vọng mới trong công tác giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi.

Chỉ hỗ trợ, khó bền vững

Trong số báo 1556, ra ngày 27/9/2919, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh thực trạng giảm nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững ở vùng DTTS và miền núi khi mà tỷ lệ nghèo phát sinh mỗi năm còn tương đối lớn. Đây rõ ràng là một nghịch lý, bởi ngân sách Trung ương đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án, đề án nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nguyên nhân của nghịch lý này đã được các chuyên gia phân tích, làm rõ. Đặc biệt, tình trạng đầu tư, hỗ trợ dàn trải khiến nguồn lực vốn đã eo hẹp càng bị lãng phí hơn khiến mục tiêu giảm nghèo bền vững của các chương trình, chính sách tỏ ra “hụt hơi” trong thực tế đã được mổ xẻ rất nhiều trong các hội nghị, hội thảo.

Nhưng “gốc rễ” của vấn đề là ở khâu thiết kế chương trình, chính sách về giảm nghèo. Một điểm dễ nhận thấy nhất là ở hầu hết các chương trình, chính sách là đều tiếp cận ở quan điểm hỗ trợ để đồng bào DTTS thoát nghèo. Vì là hỗ trợ nên dẫn đến thực trạng việc thực hiện chính sách “có cũng được, không có cũng không sao”.

Những tồn tại, hạn chế trong các chương trình, chính sách về giảm nghèo đã được nhận diện từ lâu, nhất là hạn chế trong khâu thiết kế chính sách. Nhưng như chia sẻ của ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) thì chính sách là lâu dài, dù nhận diện được tồn tại, hạn chế cũng không thể sửa đổi, bổ sung trong ngày một ngày hai.

Như chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo DTTS theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; được triển khai từ năm 2009. Số tiền hỗ trợ cho hộ nghèo không nhiều (80 nghìn đồng/nhân khẩu/hộ ở xã khu vực II, 100 nghìn đồng/nhân khẩu/hộ ở xã khu vực III) nên chỉ giải quyết được nhu cầu chi tiêu trước mắt của đồng bào DTTS, không tạo ra đột phá đề giảm nghèo. Hạn chế của chính sách này đã được nhận diện, nhưng phải gần 10 năm sau (bắt đầu từ 01/1/2019), chính sách hỗ trợ trực tiếp mới chính thức bãi bỏ.

Thay đổi quan điểm tiếp cận

Cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, tái nghèo và nghèo phát sinh luôn là một khía cạnh trong lĩnh vực giảm nghèo. Với xuất phát điểm thấp, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nên không thể mặc định rằng, công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi “chỉ có tiến, không có lùi”.

Không khó để nhận thấy, hộ nghèo DTTS (thậm chí là hộ cận nghèo) sinh sống ở địa bàn khó khăn rất khó thoát nghèo bền vững nếu các chương trình, chính sách chỉ mang tính hỗ trợ. Bởi nếu là hỗ trợ thì chỉ mới dừng lại ở việc “đắp vá” những chỗ thiếu hụt trong đời sống của đồng bào.

Do đó, việc Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội được Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới thay đổi cách tiếp cận chính sách, từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển, đem lại nhiều kỳ vọng mới trong công tác giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi. Đây là điểm mới, cũng là điểm trọng tâm, đột phá trong xây dựng chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới.

Quan điểm tiếp cận này cũng là cơ sở để đề xuất xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia riêng để phát triển vùng DTTS và miền núi. Bởi chỉ khi xây dựng thành Chương trình mục tiêu thì những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách về giảm nghèo mới được giải quyết triệt để.