Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đồng bào DTTS ở Kon Tum vươn lên thoát nghèo bền vững: Chủ trương hợp lòng dân (Bài 1)

Ngọc Chí - 10:40, 03/10/2023

Tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 54% dân số toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án chính sách đầu tư hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS, nhưng với xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; đặc biệt đồng bào DTTS vẫn còn duy trì phương thức sản xuất và những phong tục lạc hậu, dẫn đến kinh tế - xã hội chậm phát triển, cần có những cách làm, giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn...

Xã Ngọc Linh nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Kon Tum, bởi đồng bào DTTS nơi đây còn duy trì phương thức sản xuất cũ và các hủ tục lạc hậu
Xã Ngọc Linh nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Kon Tum, bởi đồng bào DTTS nơi đây còn duy trì phương thức sản xuất cũ và các hủ tục lạc hậu

Chủ trương ra đời từ yêu cầu thực tiễn

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với vùng đồng bào DTTS thông qua các chính sách hỗ trợ, đầu tư trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế, năm 2020, toàn tỉnh vẫn có hơn 95% số hộ nghèo là đồng bào DTTS. Nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chậm chuyển biến, phương thức sản xuất lạc hậu, còn tình trạng tự thỏa mãn, trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng... Đặc biệt, nhiều hủ tục, phong tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ, trở thành nếp sống trong sinh hoạt hằng ngày, dẫn đến kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS.

Ông A Toong (bên phải) ở thôn Đăk Boók, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei kể lại những hủ tục, phong tục lạc hậu trước đây của đồng bào Gié Triêng
Ông A Toong (bên phải) ở thôn Đăk Boók, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei kể lại những hủ tục, phong tục lạc hậu trước đây của đồng bào Gié Triêng

Ông A Toong (dân tộc Gié Triêng), thôn Đăk Boók, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei chia sẻ: Trước đây, việc duy trì, thực hiện những hủ tục, phong tục lạc hậu là việc làm thường xuyên của chính ông và bà con trong thôn, như: tục cõng củi; tục tảo hôn; ốm đau nhờ đến thầy cúng, thầy mo và cúng trâu, bò; kiêng cữ khi có người chết xấu... Những hủ tục, phong tục lạc hậu đó không chỉ gây tốn kém cho gia đình, chậm phát triển kinh tế mà còn gây mất tình đoàn kết của người dân trong thôn.

Trước tình hình đó, để giúp đồng bào DTTS cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/02/2021 về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (gọi tắt là Cuộc vận động). Đây là chủ trương lớn, quan trọng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã được các cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên toàn tỉnh.

Ông A In (ngồi giữa), già làng, người có uy tín ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Ông A In (ngồi giữa), già làng, Người có uy tín ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Ông A In (dân tộc Gia Rai) già làng, Người có uy tín ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy cho biết: Cuộc vận động rất hợp lòng dân, bởi thực tế đồng bào DTTS được thụ hưởng rất nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhưng do tư duy sản xuất chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại nên dẫn đến các nguồn lực đầu tư chưa hiệu quả. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc triển khai cuộc vận động này là đúng đắn, sẽ là “cú hích” để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để cụ thể hoá Kết luận 08 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngày 25/02/2021, Đảng đoàn Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum đã ban hành Chương trình số 01 triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2021 – 2025 và tổ chức lễ phát động triển khai Cuộc vận động ở quy mô cấp tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã biên soạn Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động và dịch ra năm ngôn ngữ (Kinh, Xơ Đăng, Ba Na, Gié Triêng và Gia Rai) cấp cho cán bộ làm công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở.

Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô chuyển đổi từ trồng mì sang trồng cây mắc ca và cây dứa
Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô chuyển đổi từ trồng mì sang trồng cây mắc ca và cây dứa

Trên cơ sở Kết luận của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã xây dựng 565 mô hình để hỗ trợ 12.713 hộ DTTS nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, với tổng số vốn huy động trên 37 tỷ đồng. Các mô hình đều được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế, kỹ năng sản xuất của hộ đồng bào DTTS.

Bà Y Sâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Thầy cho biết: Ngay sau khi Tỉnh uỷ ban hành Kết luận số 08, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy đã xây dựng Kế hoạch về triển khai Cuộc vận động trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Mặt trận và các đoàn thể các cấp trong huyện đã tổ chức được 430 buổi tuyên truyền, phổ biến các nội dung Cuộc vận động, thu hút 34.115 lượt người tham gia. 

Việc xây dựng các mô hình giúp dân được lựa chọn phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào DTTS, từ đó hướng dẫn đồng bào DTTS áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây, con có giá trị kinh tế cao.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) thăm quan mô hình trồng cây cà phê của đồng bào DTTS xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) thăm quan mô hình trồng cây cà phê của đồng bào DTTS xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei

Với phương châm gần dân, sát dân, sát cơ sở, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã trực tiếp về làm việc với Đảng ủy các xã; kiểm tra thực tế tại các thôn, làng để nắm bắt tình hình và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, định hướng để địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang thăm, làm việc với Nhân dân thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang thăm, làm việc với Nhân dân thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei

Ông Huỳnh Ngọc Ly, Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Glei cho biết: các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy về làm việc trực tiếp với các thôn và Đảng ủy, chính quyền xã, sau đó có kết luận cụ thể để Đảng ủy xã triển khai thực hiện. Đó là một điểm đổi mới trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Chính sự quan tâm đó, đã giúp cho Đảng ủy xã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả cao, nhất là các nội dung của Cuộc vận động.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã từng bước đi vào cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát địa bàn, bám dân cư, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội, xây dựng mô hình gắn với Cuộc vận động. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, làm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong đồng bào DTTS và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS.