Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kinh tế gia trại - Hướng thoát nghèo cho đồng bào DTTS: Những người tiên phong làm kinh tế gia trại đã thoát nghèo (Bài 2)

Khánh Ngân - 08:25, 16/05/2022

Mô hình kinh tế gia trại đã giúp được nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững. Không những thế, mô hình gia trại đang góp phần tạo động lực, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đồng bào vươn lên làm giàu.

 Mô hình gia trại sinh thái “Trên trồng chè, keo và thả gà dưới thả cá” của người Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An)
Mô hình gia trại sinh thái “Trên trồng chè, keo và thả gà dưới thả cá” của người Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An)

Những “hạt nhân” tiêu biểu

Chắc hẳn bạn đọc báo Dân tộc và Phát triển còn nhớ tới các ông: Hồ Văn Cường (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị); Hồ Minh (xã Trường Xuân, Quảng Ninh, Quảng Bình)...làm giàu từ những mô hình gia trại, trang trại tổng hợp thu nhập hàng trăm triệu đồng; Hay như Vừ Vả Chống, tỷ phú người Mông (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), với mô hình gia trại có hàng trăm con trâu bò… 

Họ là những “hạt nhân” tiêu biểu người đồng bào DTTS từ Nam ra Bắc đã xây dựng thành công mô hình kinh tế gia trại cho thu nhập cao vươn lên làm giàu. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, những “hạt nhân” này còn tạo ra một mô hình kinh tế trực quan sinh động để đồng bào học tập kinh nghiệm.

Mô hình kinh tế gia trại trồng keo, chuối già lùn và chăn nuôi bò vàng A Lưới của ông Hồ Viên Mười
Mô hình kinh tế gia trại trồng keo, chuối già lùn và chăn nuôi bò vàng A Lưới của ông Hồ Viên Mười

Ở huyện vùng biên A Lưới (Thừa Thiên - Huế), ông Hồ Viên Mười ở thôn AHươr Pae, xã Quảng Nhâm, được coi là người đi đầu trong việc xây dựng mô hình gia trại. Hiện mô hình gia trại của ông Mười có 35ha, cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm. Trong đó, ông trồng 2ha tre lấy măng, 3ha để trồng chuối già lùn, 30ha cây keo tràm. Lấy ngắn nuôi dài, tích lũy để tái đầu tư, ông Mười tiếp tục nuôi đàn bò vàng A Lưới gần 20 con, hơn chục con dê và trên 100 con gia cầm các loại.

Ông Mười chia sẻ: “Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban, ngành huyện, gia đình tôi đã xây dựng được mô hình gia trại tổng hợp như hiện nay. Chính mô hình này đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo và có cơ hội làm giàu trên chính bản làng của mình”.

Hiện hai sản phẩm chủ lực của gia trại ông Mười là bò vàng A Lưới và chuối già lùn, đều là sản phẩm OCOP của huyện vùng biên A Lưới. Từ những Đề án phát triển bò vàng A Lưới và Đề án phát triển cây chuối già lùn đã “chắp cánh” cho gia đình ông Mười mạnh dạn xây dựng mô hình gia trại. 

Không chỉ có ông Mười, nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện A Lưới như ông Tôi, ông Hồ Năm… xây dựng thành công mô hình gia trại để vươn lên làm giàu trên chính bản làng của mình.

Mô hình kinh tế gia trại góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS
Đồng bào DTTS đã chú trọng xây dựng mô hình kinh tế gia trại, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Phong trào lan rộng

Từ mô hình kinh tế gia trại mà các “hạt nhân” đã xây dựng, đồng bào các DTTS đã phát triển và lan rộng mô hình gia trại ra diện rộng.

Thừa Thiên - Huế là địa phương có 46 xã miền núi có đồng bào DTTS, với trên 54.350 người gồm các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều, Hoa, Mường, Thái và Thổ... Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2024, vùng DTTS có thu nhập bình quân đầu người đạt 40 - 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15%. Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, mô hình kinh tế gia trại được xác định là “đòn bẩy”.

Cùng với những chính sách, đề án mà các địa phương đang nỗ lực thực hiện để “chắp cánh” cho mô hình gia trại phát triển. Nhận thức của đồng bào về vai trò của gia trại trong xóa đói giảm nghèo cũng đã tăng lên. Dù quy mô, mức độ đầu tư lớn nhỏ khác nhau nhưng nhìn chung cộng đồng dân cư người DTTS đều hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình gắn liền với mô hình gia trại.

Mô hình kinh tế gia trại góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS
Các chính sách hỗ trợ đã "chấp cánh" cho mô hình kinh tế gia trại phát triển.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng ở hai huyện Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên - Huế), đã có hơn 2.000 mô hình gia trại lớn nhỏ. Trong số đó, có gần 1.000 mô hình gia trại là của đồng bào các DTTS. Đó là những con số mà cơ quan chức năng phải lưu ý, đặc biệt là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Tương tự, là huyện miền núi vùng biên có nhiều khó khăn về địa hình, thị trường tiêu thụ, nhưng nhờ phát huy được tính đặc thù vùng miền, phương pháp canh tác, Hướng Hóa (Quảng Trị), đang phát triển chăn nuôi theo hướng hợp tác xã, trang trại, gia trại, an toàn sinh học, phù hợp với lợi thế của địa phương. Những sản phẩm nông sản từ các gia trại ở Hướng Hóa đã có chỗ đứng trên thị trường.

Trong đó phải kể đến cà phê đặc sản (cà phê Arabica), sản phẩm có thương hiệu quốc tế của các gia trại người Bru Vân Kiều. Với phương pháp trồng trọt và chế biến truyền thống,người Bru Vân Kiều không dừng lại ở gia trại trồng trọt, họ còn làm luôn cả khâu chế biến thành phẩm. Từ những gia trại trên đỉnh Trường Sơn, người Bru Vân Kiều đã tạo dựng được cho mình thương hiệu riêng, theo đó đời sống bà con cũng ngày một phát triển.

Ở Nghệ An, tỉnh có 12 huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống, đồng bào cũng đã phát triển mô hình gia trại để thoát nghèo. Đã có những tỉ phú người Mông có hàng trăm con trâu bò; gia trại kết hợp du lịch sinh thái của người Thái ở Quỳ Châu, đến đó du khách có thể thưởng thức gà đi bộ, câu cá và nướng ngay trong gia trại...

Mô hình kinh tế gia trại đã và đang chứng minh được tính cơ động, ưu việt, hiệu quả   trong vùng DTTS. Không chỉ trở thành những “hạt nhân” làm giàu, giờ đây, mô hình gia trại đã và đang giúp nhiều hộ dân đồng bào chí ít cũng thoát nghèo. Đặc biệt, nơi nào có thêm sự “chắp cánh” của những chính sách hỗ trợ cho mô hình gia trại, nơi đó đồng bào có thể làm giàu trên bản làng của mình.