Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Nhiều học sinh không chọn giảng đường đại học

PV - 10:40, 17/06/2019

Nếu như trước đây, đa phần học sinh học xong THPT đều mong mỏi đỗ đại học, thì nay xu thế này đã dần có sự thay đổi. Tại các trường THPT, nhất là các trường ở vùng DTTS tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển đại học đang ngày càng giảm.

Nhiều học sinh miền núi ở Thanh Hóa đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp mà không xét đại học, cao đẳng. Nhiều học sinh miền núi ở Thanh Hóa đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp mà không xét đại học, cao đẳng.

Tỷ lệ xét tuyển đại học giảm mạnh

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra từ ngày 25-27/6 tới đây. Học sinh các trường THPT đang gấp rút ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này. Theo tìm hiểu, tại nhiều trường có sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia lấy kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thống kê tại Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) cho thấy, nhà trường có 211 học sinh đăng ký dự thi (ĐKDT), trong đó chỉ có 58 em đăng ký dự thi lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng (XTĐH, CĐ), còn lại là lấy kết quả xét tốt nghiệp (XTN).

Thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho hay: “Đa số các em đều đăng ký dự thi để lấy kết quả XTN, có được bằng THPT rồi đi học nghề hoặc xin vào các nhà máy, công ty làm công nhân. Nguyên nhân là do hiện nay, học sinh và phụ huynh học sinh đã có sự thay đổi tâm lý, nhiều em xác định lực học của mình và các khả năng khác phù hợp hơn. Hơn nữa, thời gian gần đây, thực trạng chung nhiều sinh viên học đại học xong không có việc làm cũng ảnh hưởng đến tâm lý vào đại học của các em”, thầy Văn chia sẻ.

Tương tự, tại Trường THPT Cầm Bá Thước, huyện Thường Xuân, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, nhà trường có tổng 369 học sinh ĐKDT. Trong đó, 206 học sinh ĐKDT lấy kết quả XTN; còn lại 163 học sinh ĐKDT lấy kết quả XTĐH, CĐ. Nếu như kỳ thi THPT quốc gia 2018, tỷ lệ học sinh ĐKDT lấy kết quả XTĐH của nhà trường là hơn 64%, thì năm nay con số này chỉ còn 44%.

Em Vi Thị Dung, học sinh Trường THPT Cầm Bá Thước cho biết: “Học lực của em thuộc loại khá, năm nào cũng là học sinh tiên tiến. Mặc dù em tự tin có đủ khả năng để vào một trường đại học. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, một phần nữa là vì em thấy nhiều người học đại học ra vẫn không xin được việc làm. Vì thế nên em đã quyết định chỉ ĐKDT để XTN, sau đó sẽ đi vào khu công nghiệp để làm công nhân, giúp đỡ gia đình”.

Không chỉ ở các huyện miền núi mà cả miền xuôi, tỷ lệ học sinh có nguyện vọng XTĐH cũng giảm dần. Theo thống kê của Trường THPT Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương, kỳ thi THPT quốc gia 2019 có 566 thí sinh ĐKDT, trong đó chỉ có 90 học sinh ĐKDT để lấy kết quả XTN (chiếm 20%); còn lại 80% học sinh ĐKDT thi lấy kết quả XTĐH, CĐ.

Không còn là xu thế tất yếu

Thầy Lê Khả Long, Hiệu trưởng Trường THPT Cầm Bá Thước cho biết, vào đại học, cao đẳng không còn là xu thế tất yếu của học sinh nhà trường nói riêng và của học sinh hiện nay nói chung.

Trong hoàn cảnh ngày nay, trước thực trạng nhiều sinh viên ĐH tốt nghiệp ra trường thất nghiệp. Nhà trường cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, làm công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh từ năm lớp 10. Đồng thời, phối hợp với Đoàn thanh niên, các trung tâm giới thiệu việc làm về trường tư vấn, giới thiệu cho học sinh ngay từ năm đầu cấp.

“Qua thực tế của nhà trường, chỉ những em có học lực khá, giỏi trở lên mới có nguyện vọng thi lấy kết quả XTĐH, CĐ; còn lại, các em thi để có tấm bằng tốt nghiệp rồi đi học nghề hay đi làm công nhân”, thầy Long cho hay.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Thanh Hóa có tổng số 35.094 thí sinh ĐKDT, trong số đó có: 13.363 thí sinh đăng ký chỉ XTN (chiếm 49%); 21.431 thí sinh đăng ký XTĐH, CĐ (chiếm 61%).

“Hiện nay, các em có những sự lựa chọn khác, không cần vào đại học, mà có thể đi học nghề, đi xuất khẩu lao động hay làm công nhân để kiếm tiền ngay. Điều này chứng tỏ nhận thức của học sinh và phụ huynh đã bắt kịp thời đại, xác định được năng lực của bản thân đến đâu. Đồng thời, công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh ở cơ sở cũng được đẩy mạnh, nên thay đổi nhận thức của các em về nghề nghiệp. Theo tôi, đây cũng là một tín hiệu mừng”, bà Hằng nói.

Những năm trước đây, nhiều bậc phụ huynh và học sinh có tâm lý chung là, chỉ khi vào được đại học thì gia đình mới hãnh diện, tự hào và được gọi là thành đạt. Vì thế bằng mọi giá phải vào được đại học, bất chấp năng lực kinh tế của gia đình và năng lực học tập của bản thân.” (Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa)

QUỲNH TRÂM