Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Sơn Dương (Tuyên Quang) phát huy sức mạnh văn hoá, con người

Hà Phúc - 10:39, 29/12/2024

Những năm qua, công tác phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch ở vùng đồng bào DTTS tại huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) luôn được chú trọng và ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Clb Sán dìu thôn Ninh Phú xã Ninh Lai
Câu lạc bộ Sán Dìu thôn Ninh Phú, xã Ninh Lai

"Nhà nước và Nhân dân cùng" xây dựng nhà văn hóa

Là một trong những điểm sáng trong đổi mới phương pháp quản lý và hoạt động Nhà văn hóa (NVH), xã Phúc Ứng (huyện Sơn Dương) đã có nhiều cách làm sáng tạo thu hút, khuyến khích người dân ủng hộ xây dựng NVH thôn, xóm và tích cực tham gia sinh hoạt tại NVH, góp phần nâng cao đời sống tinh thần Nhân dân.

Trong năm 2023, xã Phúc Ứng đã hoàn thành làm mới 9 NVH thôn, mỗi NVH được Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN), còn lại do Nhân dân đóng góp. Mỗi NVH sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng có giá trị đầu tư từ 500 đến 700 triệu đồng, có thôn người dân tích cực đóng góp xây NVH có giá trị trên 1 tỷ đồng. Tới nay, 21/21 thôn trong xã đã có NVH khang trang, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Ngày 21/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-HĐND thông qua Đề án xây dựng NVH thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai Đề án lồng ghép với các Chương trình MTQG đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, hoạt động thể thao, đặc biệt đối với Nhân dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng trong huyện.

Hưởng ứng Chương trình MTQG về xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2025, đồng thời hiểu được vai trò, ý nghĩa của NVH cộng đồng, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, huyện Sơn Dương đã vận dụng linh hoạt khi sử dụng nguồn vốn địa phương với lồng ghép các Chương trình MTQG và xã hội hóa huy động nguồn lực trong dân; hỗ trợ từ các doanh nghiệp địa phương… 

Nhờ đó, nhiều NVH đã nhanh chóng được xây dựng khang trang, sạch đẹp, góp phần làm thay đổi diện mạo thôn xóm; người dân phấn khởi hưởng thụ lợi ích, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT), lễ hội truyền thống đang tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Năm 2024, huyện tiếp tục bố trí nguồn vốn gần 5 tỷ đồng để xây mới và hoàn thiện các công trình NVH triển khai từ năm 2023.

Nhà văn hóa thôn Liên Thành, xã Phúc Ứng luôn là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, lễ hội vui chơi giải trí của người dân.
Nhà văn hóa thôn Liên Thành, xã Phúc Ứng luôn là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội vui chơi giải trí của người dân

Bà Hà Thị Thuý Dịu, Phó trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Sơn Dương cho biết, hiện tại, hệ thống thiết chế văn hóa huyện, có: 01 Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện; 30 xã, thị trấn có NVH; 400 thôn, tổ dân phố có NVH (trong đó có 277 NVH thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 611 sân thể thao, nhà luyện tập thi đấu thể thao đơn giản, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của Nhân dân trên địa bàn.

"Mỗi thôn, xóm là một minh chứng sống động, trực quan của bản sắc văn hóa nông thôn. Bản sắc văn hóa ấy được gìn giữ nhờ những thiết chế văn hóa được sử dụng đúng công năng, mục đích", bà Dịu nhấn mạnh.

Văn hoá truyền thống được bảo tồn, phát huy

Trong những năm gần đây, việc tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của huyện Sơn Dương được quan tâm, chú trọng. Tại Sơn Dương, đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công nhận hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát Sình ca của người Cao Lan (dân tộc Sán Chay), nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ, Lễ hội đình Thọ Vực xã Hồng Lạc, Lễ Đại phan của người Sán Dìu, Lễ hội Đình Hồng thái, xã Tân Trào là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Công tác phục dựng Lễ hội truyền thống được chú trọng; tu bổ, tôn tạo di tích lịch lịch sử, tổ chức tập huấn,... từ các nguồn vốn Chương trình MTQG, đặc biệt là dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Trên địa bàn huyện, có nhiều nghệ nhân đã có nhiều cống hiến, tham vấn cho huyện và trực tiếp truyền dạy tiếng nói, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào DTTS cho thế hệ trẻ. Đến nay có 03 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú thuộc lĩnh vực trình diễn dân gian.

Huyện có 47 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, trong năm 2023-2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã hỗ trợ xây dựng 06 CLB Văn hóa dân gian tại các xã (Tân Trào, Trung Yên, Tân Thanh, Đông Thọ, Ninh Lai, Đại Phú) theo Dự án 6 “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian cho CLB Văn hoá dân gian dân tộc Mông tại xã Đông Thọ.
Lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian cho Câu lạc bộ Văn hoá dân gian dân tộc Mông tại xã Đông Thọ

Công tác phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch tại vùng đồng bào DTTS tại Sơn Dương được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, đến nay, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân được đẩy mạnh; đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư dự án phát triển du lịch trên địa bàn; các sản phẩm du lịch được quan tâm đầu tư phát triển, từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện; các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn thường xuyên được duy trì với các hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú và đi vào chiều sâu.

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nên khách du lịch đến với Sơn Dương đang chiếm gần 50% tổng số khách du lịch của tỉnh. Doanh thu xã hội từ các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện hằng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Trong 3 năm, từ năm 2021- 2023, huyện Sơn Dương đã thu hút được khoảng 2.463.200 lượt khách tham quan, doanh thu xã hội từ du lịch 2.517,8 tỷ đồng.



Tin cùng chuyên mục