Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những đảng viên tiên phong ở Sơn Dương

Hà Phúc - 17:34, 19/12/2024

Phát huy tinh thần tiên phong “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, những năm qua, trên địa bàn huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã xuất hiện nhiều tấm gương đảng viên tiêu biểu, lan toả tinh thần dám nghĩ, dám làm để đồng bào noi gương, tích cực sản xuất tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận Trịnh Viết Ngọc chia sẻ kinh nghiệm trồng chè cho người dân
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận Trịnh Viết Ngọc chia sẻ kinh nghiệm trồng chè cho người dân

Đảng bộ huyện Sơn Dương hiện có trên 10.140 đảng viên, trong đó trên 36% đảng viên là đồng bào DTTS. Đến nay, Đảng bộ huyện Sơn Dương hiện có 25 đảng bộ (01 thị trấn, 24 xã) và 457 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nằm trong vùng đồng bào DTTS. Chỉ tính trong năm 2023 và hết quý III, năm 2024, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 264/599 đảng viên là người DTTS (chiếm 44%).

Thực tế cho thấy, ở nơi có đông đồng bào DTTS, đảng viên gương mẫu sẽ có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, hành động của Nhân dân, dễ khơi dậy được sự đồng lòng, tin tưởng của Nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những đảng viên ở Sơn Dương đã phát huy tinh thần tiên phong ấy.

Điển hình như anh Trịnh Viết Ngọc, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Trung Long, xã Trung Yên. Là xã còn nhiều khó khăn của huyện Sơn Dương, thời gian qua, nhờ sự đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của những đảng viên như anh đã tạo sức lan tỏa để người dân ở Trung Yên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông mới tại địa phương.

Trước đây, sau khi tìm hiểu thấy trồng giống chè lai 1 cho năng suất, chất lượng cao hơn nên anh muốn vận động người dân cải tạo các đồi chè. Để thuyết phục được người dân, anh Ngọc đã tiên phong chuyển đổi 2ha chè hạt của gia đình sang trồng chè lai 1, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để lắp đặt, đầu tư hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho đồi chè.

Anh Ngọc chia sẻ, cả thôn giờ có 60ha chè, trong đó có tới 70% diện tích chè đã được chuyển đổi từ giống chè hạt, năng suất thấp sang trồng giống chè lai 1 cho năng suất, chất lượng và giá bán cao hơn hẳn. Cả thôn giờ cũng có 4 xưởng chè. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình trong thôn. Thay đổi tập quán sản xuất giúp bà con nâng cao thu nhập, có động lực vươn lên làm giàu.

Anh Triệu Văn Đoan, đảng viên thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện cũng là một trong những hạt nhân điển hình tuyên truyền thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân trong việc phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Anh được đồng bào Dao gọi với tên là “Bí thư Giám đốc”, bởi, anh đang giữ 3 vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Thượng và Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Tân Thượng.

Anh Đoan chia sẻ, thôn Tân Thượng có 79 hộ dân, trong đó dân tộc Dao chiếm 98%. Từ năm 2022 đến nay, từ các Chương trình MTQG; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, người dân đã được hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa; kinh phí xây dựng 2,6km đường giao thông nông thôn; 13 téc chứa nước sạch; trên 700 tấn phân bón thâm canh sản xuất chè... Tuy nhiên, do kinh tế chủ yếu của người dân trong thôn là phát triển rừng và trồng chè, nên đời sống bà con vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, anh luôn trăn trở với bài toán nuôi con gì, trồng cây gì để chung tay giúp người dân thoát nghèo. Anh Đoan nhận thấy hơn 11ha chè của thôn luôn cho sản lượng tốt, nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao. Tháng 4/2022, anh Đoan đã bàn bạc với một số hộ trồng chè trong thôn, thành lập HTX chè Tân Thượng, đầu tư máy móc sản xuất chế biến chè, qua đó, xây dựng và quảng bá thương hiệu chè Tân Thượng.

Anh Triệu Văn Đoan (bên phải) giới thiệu sản phẩm chè của HTX chè Tân Thượng.
Anh Triệu Văn Đoan (bên phải) giới thiệu sản phẩm chè của HTX chè Tân Thượng.

Anh Đoan đã vận động thành viên HTX học tập và thay đổi cách chăm sóc cây chè hữu cơ, thân thiện với môi trường và nâng cao giá trị. Hiện tại, hơn 10ha chè của 24 hộ thành viên HTX đạt chuẩn VietGap. Sản phẩm chè của HTX chè Tân Thượng đã đạt chuẩn OCOP 3 sao. Bình quân hằng năm, doanh thu từ cây chè trong toàn HTX mỗi năm đạt từ 650 triệu đồng - 700 triệu đồng; các thành viên trong HTX đạt trên 30 triệu đồng/năm.

Khi đảm nhận 3 vai trò vừa là Giám đốc vừa là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, anh Đoan đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, sang sản xuất tập trung, liên kết, tạo thương hiệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương. Nhờ sự năng động, dám tiên phong, chủ động “miệng nói, tay làm” anh Đoan luôn được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ; những phong trào, hoạt động chung của thôn xóm cũng vì thế mà thuận lợi, tích cực hơn... Với những đóng góp đó, vừa qua, anh Đoan đã được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, các đảng viên tại Sơn Dương đã khẳng định vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Tinh thần đầu tàu gương mẫu của đảng viên tại Sơn Dương thời gian qua đã khích lệ, cổ vũ các phong trào thi đua trong quần chúng Nhân dân. Người dân đã học tập và noi theo tinh thần hết mình vì lợi ích tập thể của đảng viên, hăng hái xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.


Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thông tin, trong năm 2024, Ban Dân tộc đã phối hợp Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long cùng UBND các huyện, thị xã có đông đồng bào Khmer, các chùa Khmer trên địa bàn, mở các lớp truyền dạy văn hóa nghệ thuật nói chung và loại hình nghệ thuật Chòm riêng chà pây cho đồng bào Khmer địa phương. Việc truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào Khmer.