Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những gương sáng ở Sơn Dương

Hà Phúc - 17:53, 18/12/2024

Cùng với nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhiều nông dân ở huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã xây dựng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở địa phương miền núi này.

Mô hình gia trại tổng hợp của anh Lưu Văn Ninh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Mô hình gia trại tổng hợp của anh Lưu Văn Ninh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Với những người nuôi dê ở thôn Tây Vặc, xã Chi Thiết, cái tên Dương Văn Nam, sinh năm 1993, đã trở nên quen thuộc. Nhờ chịu khó tìm tòi, đến nay, anh Nam đã nắm được nhiều bí quyết nuôi dê ngoại và trở thành người tiên phong phát triển mô hình nuôi dê Boer vỗ béo ở địa phương.

Cũng giống như nhiều hộ dân ở xã Chi Thiết, đời sống gia đình anh Nam cũng không mấy khấm khá. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn không cải thiện, anh Nam quyết định đầu tư chăn nuôi hơn 20 con dê cỏ bản địa.

Tuy nhiên, lúc mới bắt đầu, anh Nam chăn nuôi theo tập quán cũ là chăn thả tự nhiên. Đàn dê không có chuồng trại, không được bảo vệ, chăm sóc nên chậm phát triển, có con thì bị dịch bệnh chết. 20 con giống ban đầu, sau một thời gian nuôi không những không tăng lên, mà giảm chỉ còn 17 con. Anh nhận thấy, chăn nuôi với tập quán cũ thì sẽ không thành công mà có nguy cơ ngày càng nghèo thêm.

Năm 2023, từ vốn tích góp và vay mượn bạn bè, anh bỏ ra 70 triệu đồng xây dựng chuồng trại đảm bảo cao ráo, thoáng mát và vệ sinh môi trường. Sau khi xây dựng xong chuồng trại, anh một lần nữa “khăn gói” ra tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình mua 50 con dê giống Boer nhập khẩu Thái Lan. So với giống dê cỏ bản địa, trọng lượng của mỗi con dê Boer ở thời điểm xuất bán tăng thêm 10 - 12kg, nhờ vậy thu nhập tăng thêm trên 1 triệu đồng/con. Từ 50 con ban đầu, hiện đàn dê đã tăng 200 con/lứa.

Với số lượng dê này, anh tách ra làm 8 chuồng, mỗi chuồng rộng khoảng 30m2, lợp mái tôn đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Ngoài ra, anh Nam đầu tư trồng hơn 3 sào cỏ voi, cung cấp thêm thức ăn như cám, ngô cho dê.

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Lưu Văn Ninh, dân tộc Sán Chay, thôn Lập Binh, xã Bình Yên đã xây dựng mô hình gia trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhận thấy tiềm năng sẵn có của địa phương trong phát triển kinh tế, vợ chồng anh Ninh mạnh dạn đầu tư mua đất xây dựng mô hình kinh tế gia trại từ chăn nuôi kết hợp trồng trọt.

Năm 2017, khi bắt tay vào làm, vợ chồng anh gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và thiếu vốn. Lấy ngắn nuôi dài, ở những nơi triền đồi thấp anh trồng mía nguyên liệu, ở những chỗ thấp trũng anh cải tạo thành ao thả cá, có chút vốn anh đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi bò sinh sản; cứ thế mô hình gia trại dần hình thành. Có nhiều lúc muốn bỏ cuộc do giá mía xuống thấp, chăn nuôi gặp rủi ro dịch bệnh... Tuy nhiên, mong muốn làm giàu giúp vợ chồng anh biến khó khăn thành hành động, trở thành động lực vượt qua tất cả.

Vợ chồng anh luôn quan tâm, tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, các phương pháp khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tham quan, học tập kinh nghiệm từ chính các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn, cùng với đó áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh tăng năng suất mía.

Anh Dương Văn Nam (thứ 2 từ trái qua phải), thôn Tây Vặc với trang trại nuôi dê hơn 200 con.
Anh Dương Văn Nam (thứ 2 từ trái qua phải), thôn Tây Vặc với trang trại nuôi dê hơn 200 con

Đến nay, gia trại của gia đình anh Ninh bao gồm 7.500m2 ao thả các loại cá truyền thống, như: Trắm, chép, trôi, rô phi... mỗi năm thu hơn 4 tấn cá. Tận dụng lá mía, ngọn mía trong vườn gia đình, anh chăn nuôi thường xuyên 6 cặp bò sinh sản mỗi năm xuất chuồng 6 - 7 con bò giống, bò thịt. Ngoài ra, với diện tích 1,6ha mía nguyên liệu mỗi năm gia đình thu hơn 100 tấn mía. Tổng thu nhập của gia đình là hơn 350 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng.

Tinh thần khởi nghiệp của những người dân Sơn Dương hiện nay đã trở thành phong trào rộng khắp. Với ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu, nhiều người dân tại Sơn Dương đã lựa chọn thế mạnh địa phương để khởi nghiệp, bước đầu gặt hái thành công. Họ dám nghĩ, dám làm và mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Họ không chỉ thay đổi cách thức sản xuất truyền thống mà còn mang đến những giải pháp sáng tạo, hiệu quả, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững trên quê hương mình.

Kết quả đó góp phần khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp tại địa phương, chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo theo hướng bền vững, đồng thời góp phần giải quyết căn cơ vấn đề ly nông, ly hương đã xảy ra trong những năm gần đây tại Sơn Dương.


Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thông tin, trong năm 2024, Ban Dân tộc đã phối hợp Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long cùng UBND các huyện, thị xã có đông đồng bào Khmer, các chùa Khmer trên địa bàn, mở các lớp truyền dạy văn hóa nghệ thuật nói chung và loại hình nghệ thuật Chòm riêng chà pây cho đồng bào Khmer địa phương. Việc truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào Khmer.