Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Rừng lim cổ thụ giữa vựa lúa Yên Thành

PV - 08:46, 25/01/2018

Bão tố, cây nào đổ, không ai dám tự động vào “xẻ thịt” mang về làm của riêng, mà đợi họp dân, họp xã, định giá, đem ra bán công khai. Tiền thu được, sung quỹ. Đối với người dân nơi đây này, giữ rừng lim như giữ báu vật. Với họ, rừng lim và người như đã là duyên nợ!.

Báu vật” rừng già

Vừa thấy người lạ đỗ xe, nhìn ngó rừng lim thuộc xóm 1, xã Lăng Thành, (huyện Yên Thành, Nghệ An), trong làng đã có nhiều người theo dõi, ánh mắt dò xét. Đang định bước chân vào trong khu rừng nằm sát con đường lớn để chụp hình, chiêm ngưỡng rừng cây quý đứng sừng sững giữa vùng đồng bằng rộng lớn, thì có mấy ông đứng tuổi ở gần nhà văn hóa xóm chạy nhanh ra hô lớn: “Cô vào rừng mần chi đó? Khéo mang lửa vô cháy rừng. Không được tùy tiện vô những cánh rừng lim mô!”, giọng của một cụ ông khoảng trên 80 tuổi nói như ra lệnh.

Những cây lim cổ thụ được người dân làng quê nghèo xem như báu vật. Những cây lim cổ thụ được người dân làng quê nghèo xem như báu vật.

 

Sau khi biết mục đích của tôi, cụ ông thay đổi thái độ, vội trấn an: “Cháu thông cảm, bao đời nay đối với người dân chúng tôi, những rừng lim này được xem như báu vật của làng, không ai dám đụng đến. Vì thế, chúng tôi sợ kẻ xấu vào rừng chẳng may có chuyện gì thì không biết xử lý thế nào”. Rồi cụ giới thiệu tên là Lê Mão.

Cụ Mão tuy đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những bước chân vẫn còn vững chắc lắm. Dẫn tôi vào cánh rừng lim quý giá của làng, chỉ tay về phía những gốc lim cổ thụ san sát, cụ ông nói: “Đã trên 7 chục năm (70 năm) nay rồi đấy, mình già đi, chứ những “cụ” lim này không thay đổi gì nhiều”. Rồi cụ tiếp tục cho hay, giống lim chậm lớn lắm. Lúc còn nhỏ, ông đã thấy những cây lim to như thế này, giờ đã lên lão rồi mà vẫn thấy như thế.

Theo các bậc cao niên kể lại, rừng lim tại xã Lăng Thành có tuổi đời khoảng 200 năm. Tuy nhiên, cũng có giả thiết cho hay, khu rừng lim này được trồng khi ông Nguyễn Hữu Đạo, một người dân ở xóm đỗ đạt cao tại Hội nguyên Hoàng Giáp khoa Tân Vỵ năm Chính Hòa 12, vua Lê Hy Tông (tức năm 1691). Tức là nếu giả thuyết này đúng thì rừng lim cổ thụ ở Lăng Thành bắt đầu được trồng từ những năm 90 của thế kỷ thứ 17, tức khoảng trên 300 năm tuổi. Tuy không biết chính xác số tuổi những rừng lim trong làng, nhưng điều đặc biệt là không ai dám tự ý chặt phá, hay chỉ là bẻ một nhành nhỏ. Với họ, đó giống như báu vật của làng.

Một điểm nữa khiến khu rừng lim này quý giá đó là sự trường tồn mãnh liệt với sự phát triển của dân làng. Dù có hạn hán, mua bão, lụt lội thì rừng lim vẫn cứ sừng sững xanh tươi. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù nhiều điểm của huyện Yên Thành bị bom địch đánh phá ác liệt nhưng lạ thay khu rừng lim không hề bị “dính” một trái bom nào, viên đạn nào cả. “Khu rừng khi đó cùng với Rú Gám ở xã Xuân Thành như là những “chiến hào”, là “lô cốt” để bảo vệ chính quyền, bảo vệ người dân quê lúa trong chiến tranh ác liệt”, cụ Mão tâm sự.

Tại ngôi làng này, người dân vẫn gọi lim bằng “cụ”. Có những “cụ” lim độc thân, bơ vơ một mình ven sườn dốc; có những “cụ” lim đã “thượng thọ” đến hai, ba trăm năm tuổi, con đàn cháu đống, kết thành những cánh rừng sum xuê, xanh ngắt. “Cụ” lớn nhất có đường kính khoảng 0,8-0,9m; còn lại là các cây xen kẽ dao động từ đường kính 40, 50, 60 đến 70cm.

Ông Đậu Văn Nam, cán bộ lâm nghiệp, kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lăng Thành cho biết, rừng lim của xã trải dài từ thôn 1 đến thôn 8, tạo thành một quần thể rộng lớn, với 106 ha lim. Hiện nay, ước tính số cây lim khoảng trên 2.000 cây.

Cũng theo chia sẻ của người đàn ông nay, lim ở đây là giống lim sâu róm và lim xanh, thân cây không lớn nhưng lõi chắc, hoa văn đẹp, dùng để làm nhà, hoặc đóng đồ gỗ dân dụng rất tốt, nhưng không ai dám tự ý chặt hạ.

Ông Nam kể về những cây lim có giá trị từ bao đời của làng. Ông Nam kể về những cây lim có giá trị từ bao đời của làng.

 

Trong khu rừng này có đền Thượng Sơn, ngôi đền được dựng bằng chính gỗ lim trong khu rừng. Trước đây, có một ông thầy lang sống dựa vào khu rừng, hàng ngày thường lên rừng hái thuốc về chữa trị cho người dân. Sau khi ông mất, người dân họp bàn và quyết định lấy một cây lim dựng trong ngôi đền thờ cúng ông ấy.

Đó là một trong những lần hiếm hoi, người dân nơi đây quyết định chặt cây lim vì mục đích chung.

Ghi từng cây lim vào sổ sách

Ông Nam cho hay, vì rừng cây này thuộc nhóm gỗ quý lại phân bố gần khu vực giáp ranh các xã Tiến Thành, Mã Thành, nên trước đây việc bảo vệ rất căng thẳng. Chỉ cần lơ là thì chắc chắn khu rừng có thể bị người ngoài xẻ thịt, cạo trọc. Nhưng với sự bảo vệ nghiêm ngặt, ý thức của từng người dân nên rừng lim này vẫn được giữ nguyên.

Điều đặc biệt, tại ngôi làng này là nhiều gia đình sống ngay dưới những gốc cây lim có giá trị kinh tế cao, nhưng tuyệt nhiên không ai dám đụng đến. Chỉ tay vào một gốc cây nằm phía sau khu vườn của gia đình mình, bà Trần Thị Lợi bảo: “Cụ” lim này hiện nay bán giá thị trường cũng được hơn 30 triệu bạc, nhưng không ai dám chặt nó cả. Phần vì sợ chính quyền, phần vì nó như là báu vật của làng rồi”.

Năm 1995, thực hiện chủ trương giao đất khoán rừng, 106 ha rừng lim đã được giao cho 178 hộ dân quản lý. Mỗi gia đình được giao bao nhiêu cây lim, cây tạp đều được ghi vào sổ sách để theo dõi. Nhà nào để mất dù một cây lim sẽ bị phạt 2 tạ lúa và bồi thường giá trị của cây đó, mất một cây tạp cũng sẽ bị phạt một tạ lúa. Do vậy, từ nhiều năm nay, rừng lim của xã được giữ nguyên vẹn.

Ông Đặng Ngọc Hà, Đội trưởng bảo vệ rừng lim cho biết, Rú Chùa là khu rừng còn giữ được những nét hoang sơ nhất trong toàn bộ rừng lim của xã Lăng Thành. Bây giờ quy định đã có sự thay đổi, người dân có thể chặt bỏ cây dại để trồng dứa, trồng keo xen lẫn phía trong rừng lim.

Nhưng cây lim là tài sản chung nên tuyệt đối không ai được đụng vào. Nhiều năm trở lại đây, để bảo vệ rừng lim, xã còn thuê 8 người làm nhiệm vụ túc trực, tuần tra rừng. Dù rằng, công bảo vệ cả năm chỉ vỏn vẹn dăm triệu đồng, chỉ đủ để...uống rượu!. “Người dân nơi đây xem những cây lim không chỉ là tài sản chung mà còn như một biểu tượng tâm linh nên anh em không vất vả lắm.

Nhiệm cụ chủ yếu của đội bảo vệ lại là phát dọn thực bì chống cháy rừng”, ông Hà tâm sự.

Ông Hiển cho hay, bảo vệ cây lim như chính là bảo vệ giá trị mà ông cha để lại. Ông Hiển cho hay, bảo vệ cây lim như chính là bảo vệ giá trị mà ông cha để lại.

 

Là một trong số hơn 100 hộ gia đình được giao quản lý rừng, ông Cao Xuân Hiển (SN 1957), trú xóm 8 cho hay, gia đình ông nhận khoán 10,2 ha.

Hàng ngày, ông cùng người còn trai lên rừng làm việc, vừa để tuần tra, bảo vệ những cây lim của làng. 20 năm trôi qua, hầu như ngày nào người đàn ông đó cũng có mặt tại rừng, nhiều khi cũng chỉ đế ngắm những cụ lim cổ thụ mà gia đình mình được quản lý. “Ở trên miền núi cao tít tắp biên giới Việt - Lào còn hiếm khi tồn tại được những cây lim cổ thụ như thế này chứ chưa nói đến cả khu rừng lim bạt ngàn như vậy.

Là người dân nơi đây, tôi cảm thấy rất tự hào về điều này. Gia đình nhận thầu khoán chăm sóc một phần cũng vì muốn góp chút gì đó để gìn giữ, bảo vệ những giá trị lớn lao mà ông cha đã để lại”, ông Hiển nói với giọng đầy tự hào.

Theo ông Hoàng Danh Thọ, Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, khu rừng lim thuộc loại nhóm gỗ quý hiếm, lại phân bổ rộng nên có những giai đoạn cả chính quyền lẫn người dân phải rất căng thẳng trong việc bảo vệ. Hiện rừng có 2.104 cây lim đã được ghi vào sổ sách, giao cho người dân quản lý.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cũng rất tự hào về “báu vật” của huyện nhà: “Giá trị của rừng lim cổ thụ ở xã Lăng Thành không thể nói đơn thuần về giá trị kinh tế của gỗ quý được.

Điều đặc biệt là một khu rừng quý hiếm như thế mà vẫn giữ gìn, bảo vệ được đến ngày hôm nay thì thật là điều hiếm có.

Hiện nay, rừng nhiều nơi bị san phẳng, giữa thâm sơn cùng cốc căng mắt mà chẳng thấy bóng dáng cây lim nào. Nhưng giữa “vựa lúa” Yên Thành cách quốc lộ 1A chưa đầy vài chục km, lại giữ được rừng lim nguyên sinh, chuyện thật mà như mơ.

LONG TRẦN- HỮU CƯỜNG