Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Rào cản thoát nghèo do chồng lấn địa giới hành chính: Đồng bào cần sớm được an cư lạc nghiệp (Bài cuối)

Huy Trường - Thanh Huyền - 2 giờ trước

Sống giữa vùng chồng lấn về địa giới hành chính, hàng trăm hộ dân Xơ Đăng ở thôn 3, xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn gồng mình bám đất, bám thôn để phát triển kinh tế, nuôi hy vọng về một ngày được ổn định nơi ăn, chốn ở. Tuy nhiên, để những nỗ lực ấy không mãi dở dang, vấn đề chồng lấn địa giới hành chính giữa hai tỉnh Quảng Nam – Kon Tum cần sớm được giải quyết dứt điểm, minh bạch.

Một góc của thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Một góc của thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam

Nuôi hy vọng về cuộc sống an cư, lạc nghiệp

Trên con đường mòn dẫn vào thôn 3 – nơi đang bị chồng lấn giữa xã Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) và xã Đăk Nên (Kon Plông, Kon Tum), người dân vẫn lặng lẽ canh tác, gầy dựng sinh kế với niềm tin một ngày sẽ thoát khỏi cảnh "nhiều không": không hộ khẩu ổn định, không quyền lợi rõ ràng, không hạ tầng, và không an tâm mưu sinh...

Đang cặm cụi thu hái cà trên sườn đồi, anh Nguyễn Văn Nhơn (thôn 3, xã Trà Vinh) chia sẻ: “Dù còn nhiều cái khó, nhưng bà con vẫn nỗ lực trồng trọt, canh tác để có thêm thu nhập và tự cung ứng lương thực. Bà con không buông xuôi, chỉ mong chính quyền sớm giải quyết để chúng tôi yên tâm sống và làm ăn”.

Tương tự, anh Trần Văn Viên kỳ vọng vào đàn dê và vườn quế đang đến thời kỳ cho thu hoạch. Anh cho biết: Gia đình còn trồng hơn 1.000 cây quế, tuổi cây từ 2 – 5 năm. Quế hiện có giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu khoảng 40 – 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn vay mượn đầu tư nuôi dê, sau thời gian nay đàn dê đã tăng lên 20 con. Với giá thịt dê khoảng 160.000 đồng/kg, nguồn thu nhập này đã giúp cuộc sống gia đình thoát khỏi cảnh "ăn bữa trước lo bữa sau" như trước.

Giữa muôn vàn khó khăn, anh Nguyễn Văn Nhơn vẫn nổ lực trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện sinh kế.
Giữa muôn vàn khó khăn, anh Nguyễn Văn Nhơn vẫn luôn nỗ lực trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống.

Thời điểm này, người dân thôn 3 đang vào mùa thu hoạch quế. Chị Cao Thị Hiền cho biết: “Ngoài vỏ quế, bà con còn tận thu các bộ phận như nhánh, ngọn để bán cho tư thương. Giá quế tươi dao động từ 12.000 – 30.000 đồng/kg, còn quế khô có thể lên đến 70.000 – 80.000 đồng/kg, giúp bà con có đồng ra đồng vào”.

Những nỗ lực ấy cho thấy người dân nơi đây không buông xuôi trước khó khăn. Dẫu thiếu hụt hạ tầng, mù mờ về địa giới, họ vẫn cố gắng từng ngày để bám đất, mưu sinh và nuôi hy vọng về một cuộc sống an cư, lạc nghiệp.

Với người dân thôn 3, xã Trà Vinh, mảnh đất này không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là nơi họ đã sống gắn bó qua bao thế hệ. Dù đang phải chịu những thiệt thòi do chồng lấn địa giới hành chính kéo dài, nhưng phần đông bà con luôn mong muốn được sống ổn định trên đất Quảng Nam, nơi ông bà, cha mẹ họ từng đặt chân khai hoang, lập nghiệp.

Chị Cao Thị Hiền mong mỏi được về Quảng Nam, và mong các cấp sớm giải quyết việc chồng lấn địa giới để bà con bớt thiệt thòi.
Chị Cao Thị Hiền mong mỏi các cấp sớm giải quyết việc chồng lấn địa giới để bà con bớt thiệt thòi.

Để giải quyết những khó khăn trước mắt, UBND xã Trà Vinh cũng đã phối hợp với UBND xã Đăk Nên (Kon Tum) thống nhất phương án xây dựng trường mẫu giáo tại khu vực chồng lấn, với hai phòng học phục vụ trẻ em địa phương. Bên cạnh hạ tầng, các mô hình sinh kế cũng được triển khai để hỗ trợ hơn 230 hộ được tham gia chương trình chăn nuôi bò, dê; nhiều gia đình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở, mở rộng sản xuất.

"Đầu năm 2024, chúng tôi đã vận động được nguồn xã hội hóa để xây dựng mới điểm trường tiểu học và cầu treo dân sinh Nước Tối tại thôn 3. Đây là những công trình thiết yếu, giúp người dân thuận lợi hơn trong đi lại, các em nhỏ được đến trường học hành trong ngôi trường khang trang hơn, bớt thiệt thòi”, ông Trần Văn Thương , Chủ tịch UBND xã Trà Vinh, cho biết.

Tuy nhiên, ông Thương thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù chính quyền luôn động viên và sát cánh cùng người dân nhưng hầu hết đồng bào Xơ Đăng nơi đây vẫn thuộc diện hộ nghèo. Do vậy, điều cốt lõi vẫn là phải giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn địa giới hành chính. Các cấp chính quyền mới có cơ sở để đầu tư, hỗ trợ người dân cải thiện điều kiện sống, khi đó, người dân mới thực sự yên tâm phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa truyền thống quê hương mình một cách trọn vẹn.

Ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh trao đổi với PV Báo Dân tộc và Phát triển về việc chồng lấn địa giới hành chính
Ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh trao đổi với PV Báo Dân tộc và Phát triển về việc chồng lấn địa giới hành chính

Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ranh giới "mơ hồ"

Tình trạng chồng lấn địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh (Quảng Nam) và xã Đăk Nên (Kon Tum) không phải là vấn đề mới. Từ năm 2008 đến nay, UBND hai tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành, khảo sát thực địa và lấy ý kiến Nhân dân.

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn người dân thôn 3 đều có chung nguyện vọng tiếp tục là cư dân tỉnh Quảng Nam – nơi gắn bó với tổ tiên, phong tục và nếp sống bao đời. Họ mong được ổn định hộ khẩu, được công nhận chính danh để hưởng đầy đủ các quyền lợi như bao công dân khác.

Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: Nguyện vọng của bà con là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành sớm điều chỉnh lại địa giới hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp để Nhân dân có thể ổn định cuộc sống lâu dài trên vùng đất Quảng Nam – nơi gắn bó bao đời nay.

Người dân thôn 3 mong muốn các cấp chính quyền sớm giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn địa giới hành chính để họ an cư, lạc nghiệp
Người dân thôn 3 mong muốn các cấp chính quyền sớm giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn địa giới hành chính để họ an cư, lạc nghiệp

Mới đây, ngày 26/4/2025 Bộ Nội vụ đề nghị hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh và xã Đăk Nên. Theo văn bản, đường ranh giới đã được xác định rõ trong bản đồ lập theo Chỉ thị 364 (năm 1991). Bộ yêu cầu các địa phương hoàn thiện hồ sơ địa giới các cấp, đảm bảo thống nhất với bản đồ gốc và có xác nhận pháp lý. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Lê văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Tỉnh sẽ chỉ đạo ký pháp lý theo Chỉ thị 364. Đồng thời tổ chức lấy ý kiến người dân thôn 3 về hai phương án: Một là ở lại định cư tại chỗ và chuyển hộ khẩu sang Kon Tum; hai là di dời bà con về xã Trà Vinh nếu bố trí được khu tái định cư”.

Có thể nói, rào cản lớn nhất khiến người dân thôn 3 không thể thoát nghèo không phải là thiếu nỗ lực, mà là sự thiếu rõ ràng về địa giới hành chính, dẫn đến chậm trễ trong đầu tư hạ tầng và chưa thể triển khai thực hiện được các chính sách. Khi người dân đã quyết tâm vươn lên trong phát triển, giữ bản sắc, thì chính quyền cần sớm có hướng giải quyết một cách dứt điểm – để hơn 1.000 người Xơ Đăng nơi đây không còn phải sống giữa ranh giới mơ hồ của hai địa phương, và có thể an cư lạc nghiệp đúng nghĩa.

Tin cùng chuyên mục
Ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS

Ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS

Với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực, chủ động bố trí nguồn lực, thực hiện việc đối ứng ngân sách để đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực miền núi, vùng cao.