Cung đường lên Cao nguyên đá Đồng VănTừ "vùng trũng công nghệ" đến điểm sáng du lịch số
Hà Giang từng được xem là một trong những địa phương khó khăn về hạ tầng công nghệ và tiếp cận chuyển đổi số. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm gần đây, tỉnh đã có những bước tiến mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm tại Dốc Thẩm MãTại Toạ đàm "Du lịch Hà Giang bước vào kỷ nguyên số và hành trình đến tương lai xanh" được tổ chức vào trung tuần tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Trung Ngọc, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Giang thông tin: Năm 2024, Hà Giang đón trên 3,28 triệu lượt khách, trong đó có 380 nghìn lượt khách quốc tế và 2,9 triệu lượt khách nội địa, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 102,6% kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 8,2 nghìn tỷ đồng.
Số hóa cung cách giới thiệu về những địa điểm du lịch nổi tiếng là cách làm hiệu quả được ngành du lịch Hà Giang triển khai thực hiện từ nhiều năm nay Để đạt được kết quả đó, tỉnh Hà Giang đã số hóa thông tin điểm đến thông qua nền tảng Cổng du lịch thông minh Hà Giang (myhagiang.vn), hệ thống wifi công cộng tại các điểm du lịch trọng điểm, tạo mã QR giới thiệu điểm đến song song với việc áp dụng các nền tảng số để thúc đẩy tiếp thị, đặt phòng, lên lịch trình du lịch tự động…
Đáng chú ý, Hà Giang cũng là địa phương đi đầu trong việc tích hợp dữ liệu du lịch vào hệ thống quản lý của tỉnh, giúp chính quyền nắm bắt lượng khách theo thời gian thực, phân tích xu hướng du lịch, từ đó có cơ sở quy hoạch và điều chỉnh chính sách phù hợp.
Các điểm đến của Hà Giang được giới thiệu tại Tripmap.vnChuyển đổi số cũng mở ra cơ hội cá nhân hóa trải nghiệm du khách, một trong những yếu tố quan trọng trong nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sức cạnh tranh của điểm đến. Nhờ hệ thống dữ liệu số, các đơn vị lữ hành có thể phát triển nhiều sản phẩm chuyên biệt như: Tour khám phá thiên nhiên, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh… phù hợp với từng nhóm khách cụ thể.
Đồng thời, ngành du lịch Hà Giang cũng đang dần chuyên nghiệp hóa công tác tiếp thị số (digital marketing), xây dựng các kênh truyền thông chính thức trên nền tảng mạng xã hội và hợp tác với KOLs, travel blogger – những người có khả năng lan tỏa vẻ đẹp vùng cao một cách chân thực thông qua các cách “kể chuyện” bằng hình ảnh, âm thanh. Điều này đang từng bước thay đổi cách khách du lịch tiếp cận và tương tác với Hà Giang.
Di tích Nhà Vương - điểm đến hấp dẫn vùng Cao nguyên đá Đồng VănLấy con người làm trung tâm, công nghệ làm công cụ, bản sắc làm nền tảng
Theo ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang: Việc được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards – WTA) vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023”; “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024” và lọt vào top 44 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới do Time Out (Anh) bình chọn là minh chứng cho cách Hà Giang chinh phục thế giới không bằng quy mô, mà bằng chiều sâu văn hóa và trải nghiệm riêng có.
Khu nghỉ dưỡng H'Mong Vilage tại Quản Bạ - Hà Giang được vinh danh là Khách sạn xanh ASEAN nhờ việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa bản địa và cách thức quảng bá sản phẩm du lịch trên nền tảng sốSong song với chuyển đổi số, ngành du lịch Hà Giang cũng trú trọng tới việc bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch xanh dựa trên tiêu chí du lịch ít phát thải, gắn với gìn giữ tài nguyên, môi trường và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng địa phương. Đây là đòi hỏi tất yếu của một điểm đến có tính chịu tải giới hạn như Hà Giang.
Những mô hình du lịch cộng đồng kết hợp canh tác nông nghiệp sạch, gìn giữ bản sắc văn hóa, kiến trúc truyền thống, tiết kiệm năng lượng, quản lý rác thải hiện đang được triển khai tại nhiều xã, huyện như Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc, Yên Minh.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, sự phát triển nhanh chóng trong vài năm gần đây đã mang đến áp lực không nhỏ cho hệ sinh thái du lịch Hà Giang. Tình trạng xây dựng homestay tự phát, quá tải ở các điểm dừng chân nổi tiếng như Mã Pì Lèng, Phố cổ Đồng Văn, làng Lô Lô Chải… nếu không được kiểm soát bằng các công cụ số hóa, quy hoạch minh bạch và tham vấn cộng đồng, rất dễ dẫn đến sự thương mại hóa quá mức, làm mất đi những điều khiến Hà Giang trở nên khác biệt.
Văn hóa truyền thống được Hà Giang quảng bá thông qua các lễ hộiChính vì vậy, con đường phía trước đòi hỏi Hà Giang phải kiên định với chiến lược phát triển lấy con người làm trung tâm, công nghệ làm công cụ và bản sắc làm nền tảng. Do đó từ ngày 12-15/5 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hà Giang đã tổ chức đoàn Famtrip với sự tham gia của gần 60 đơn vị lữ hành, khảo sát tại các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Hoạt động này cho thấy, Hà Giang đang nghiêm túc xây dựng chuỗi giá trị du lịch bền vững, thay vì “ăn xổi” bằng việc đón dòng khách đại trà.
Việc bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc như: Trang phục, tiếng nói, chữ viết, kiến trúc... đang được tỉnh Hà Giang triển khai tại nhiều địa phươngDu lịch Hà Giang đang đứng ở những ngã rẽ với một bên là tăng trưởng nhanh, có phần dễ dãi và chiều theo thị hiếu số đông; bên kia là con đường gìn giữ và nâng tầm bản sắc, đòi hỏi kiên trì, tầm nhìn và sự hy sinh lợi ích ngắn hạn.
Chọn con đường thứ hai khó hơn, nhưng đó mới là con đường khiến Hà Giang không chỉ trở thành một điểm đến, mà còn trở thành biểu tượng của vẻ đẹp nguyên bản và chiều sâu văn hóa trong hành trình khám phá Việt Nam.