Người dân ấp Tà Diếp, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị thành thạo nghề đan dây nhựa sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, nhận nguyên liệu về gia công sản phẩm, tạo thu nhập ổn địnhXã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Nhờ được thụ hưởng các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững, đời sống của bà con nơi đây từng bước được nâng lên, nhất là ở các hộ nghèo và cận nghèo.
Gia đình ông Lý Sưa ở ấp Chông Nô, xã An Ninh, huyện Châu Thành, từng sống trong cảnh thiếu thốn do ít đất sản xuất, phải đi làm thuê. Nhờ chương trình hỗ trợ sinh kế của xã, ông được vay vốn mua lợn về nuôi thịt và nuôi lợn nái để bán giống. Từ đó, gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn tích lũy được vốn mở rộng sản xuất. Năm 2024, ông còn được hỗ trợ xây nhà tình thương, không còn cảnh sống tạm bợ. Có nhà kiên cố và vốn chăn nuôi ổn định, gia đình ông an tâm phát triển kinh tế.
Cũng như gia đình ông Sưa, nhiều gia đình ở xã An Ninh cũng có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế từ nguồn hỗ trợ của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Giảm nghèo bền vững). Riêng năm 2024, theo ông Lâm Huôl, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh, xã đã giải ngân hơn 400 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho 21 hộ, xây dựng nhà ở cho 4 hộ nghèo và cận nghèo, tạo điều kiện cho 92 hộ vay vốn giải quyết việc làm với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, số hộ nghèo, cận nghèo đã giảm từ 186 xuống còn 129 hộ.
Còn tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, gia đình bà Tăng Sà Sươne, ở ấp Sóc Lèo từng sống chủ yếu bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh. Năm 2022, được Hội Phụ nữ xã giới thiệu vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, bà đầu tư nuôi dê.
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng còn 4.430 hộ nghèo (chiếm 1,32%), giảm 1,42% so với đầu năm - tương đương với 4.776 hộ. Hộ cận nghèo cũng giảm mạnh, hiện còn 17.063 hộ (chiếm 5,08%), giảm 8.297 hộ so với đầu năm.
Nhờ tận dụng tốt nguồn thức ăn sẵn có và siêng năng chăm sóc, đàn dê phát triển tốt, đem lại thu nhập 40-50 triệu đồng mỗi năm. Sau khi trả hết nợ, bà tiếp tục được hỗ trợ vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng quy mô. “Nhờ được Nhà nước hỗ trợ như một chiếc cần câu, gia đình tôi mới có điều kiện vươn lên thoát nghèo”, bà Sươne chia sẻ.
Từ những mô hình hiệu quả như của ông Lý Sưa hay bà Sà Sươne, có thể thấy, việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn và hỗ trợ sinh kế phù hợp đã thực sự mang lại chuyển biến tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như Sóc Trăng. Từ việc triển khai hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước, diện mạo các phum sóc, vùng đồng bào DTTS ở Sóc Trăng đã có nhiều đổi thay tích cực.
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng còn 4.430 hộ nghèo (chiếm 1,32%), giảm 1,42% so với đầu năm - tương đương với 4.776 hộ. Hộ cận nghèo cũng giảm mạnh, hiện còn 17.063 hộ (chiếm 5,08%), giảm 8.297 hộ so với đầu năm.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian tới, Sóc Trăng sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để triển khai Chương trình giảm nghèo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bền vững. Tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các xã, ấp đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và dạy nghề; đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân nghèo để ổn định cuộc sống và phát triển sinh kế.