Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh: Hãy đi, rồi sẽ thành đường!

PV - 10:20, 30/03/2022

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sau một chặng đường dài vẫn đang “nóng” với câu chuyện về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Băn khoăn, trăn trở cũng là lẽ đương nhiên, bởi lý do được nhìn thấy là vì sao việc thành lập Quỹ sau hơn 15 năm vẫn chỉ nằm trên giấy? Nguồn thu cho Quỹ từ đâu? Quỹ vận hành như thế nào?

Quỹ điện ảnh cần sớm hình thành để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam
Quỹ điện ảnh cần sớm hình thành để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Thế nhưng, hãy nhìn sang nhiều quốc gia trên thế giới, nơi mà Quỹ điện ảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy nền điện ảnh, cũng như tìm kiếm vô số tài năng phát triển ngành phim. Cũng phải thấy rằng, việc thành lập Quỹ điện ảnh chưa bao giờ là đơn giản. Và hãy đặt câu hỏi, vì sao điện ảnh Việt lại không có Quỹ, trong khi đó là niềm khao khát và nhu cầu thiết yếu của giới làm phim?

Quỹ điện ảnh và sự vận hành chuẩn xác

Tại phiên họp gần nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ quan điểm của Ban soạn thảo về sự cần thiết quy định thành lập và hoạt động của Quỹ phát triển điện ảnh với sự hỗ trợ nguồn vốn ban đầu của Nhà nước.

Trước những ý kiến băn khoăn về nhiệm vụ chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước tại Điều 5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu: “Điều 5 chỉ quy định chính sách của Nhà nước đối với việc hỗ trợ làm phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, gồm một số đề tài như phim thiếu nhi, phim về lịch sử, phim về đồng bào miền núi. Trong khi đó, mục đích Quỹ là bổ sung sự hỗ trợ đến đối tượng chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước…”.

Như vậy, Quỹ hỗ trợ điện ảnh ra đời sẽ lấp những “khoảng trống”, điều mà người làm nghề, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ đang trông đợi. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo Luật sửa đổi xác định nhiệm vụ chi không trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Theo đó, Quỹ chỉ chi cho dựán sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia LHP, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài; cho vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh; hỗ trợ các không gian sáng tạo về điện ảnh và các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đều nhận thấy một trong những sức mạnh mềm được đưa ra để cạnh tranh trên trường quốc tế chính là điện ảnh. Nếu nhà nước không có chính sách đột phá, đầu tư cụ thể thì không thể tạo nên sức mạnh mềm đó. Do vậy, nhiều quốc gia đều xây dựng quỹ điện ảnh hoặc xây dựng những cơ chế tài chính, tín dụng, thuế ưu đãi trực tiếp cho phát triển điện ảnh…”.

Quan điểm được lãnh đạo Bộ VHTTDL nêu, trên thực tế cũng là tiếng nói của giới nghề điện ảnh. TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam với kinh nghiệm thực tiễn của mình đã nhiều lần đề xuất, nên tham khảo kinh nghiệm từ các Quỹ điện ảnh thành công trên thế giới. Gần với Việt Nam là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Hàn Quốc, với mục đích hỗ trợ sáng tạo và sản xuất phim; đầu tư cho các Hiệp hội chuyên về điện ảnh; hỗ trợ xuất khẩu và trao đổi quốc tế phim nội; hỗ trợ sản xuất phim kinh phí nhỏ, phim ngắn; bảo trì và cải tạo rạp chiếu phim; hỗ trợ các dự án cải thiện phúc lợi người lao động tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ các dự án LHP của các tổ chức và nhóm dân sự được cơ quan quản lý điện ảnh công nhận; hỗ trợ các dự án đào tạo, giáo dục điện ảnh; các dự án phim nghệ thuật; các dự án liên quan đến phát triển công nghiệp điện ảnh; các dự án liên quan đến thúc đẩy đa dạng văn hóa điện ảnh và trách nhiệm cộng đồng của điện ảnh…

Theo NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải, không nên bó hẹp góc nhìn về Quỹ, mà nên nhìn rộng hơn về sự đầu tư chiến lược của nhà nước cho điện ảnh. Điện ảnh Việt Nam cần có sự trợ giúp mạnh mẽ hơn về mặt chiến lược từ Nhà nước. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có chiến lược rõ ràng, thực tế đối với sự phát triển điện ảnh. Đó cũng chính là tiềm năng để phát triển kinh tế và văn hóa. “Văn hóa hay điện ảnh cũng chính là “quyền lực mềm” của một quốc gia. Một trong những mô hình phát triển thành công nhất là sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc…”, ông Hải nhấn mạnh.

Vậy, vì sao câu chuyện thành lập Quỹ tại Việt Nam dù đã nhiều lần được nhắc đến nhưng vẫn chưa thực hiện được? Phải chăng, trong bối cảnh công nghiệp điện ảnh đang phát triển, hành lang pháp lý cho điện ảnh ngày càng hoàn thiện thì cần thiết phải thay đổi suy nghĩ cho rằng không nên có Quỹ, phải gạt bỏ những băn khoăn về việc đã từng có quy định về Quỹ nhưng chưa thể hiện thực hóa sau hơn 15 năm? Bối cảnh phát triển điện ảnh hiện nay đã khác. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, vấn đề mấu chốt là phải được vận hành chuẩn xác, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của giới làm phim.

Hãy đi, rồi sẽ thành đường!

Trong nhiều cuộc góp ý cho dự Luật Điện ảnh sửa đổi, các chuyên gia điện ảnh luôn nêu đề xuất, nên có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển, đồng thời kích cầu cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh.

Ngoài Pháp, Hàn Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới đều có chính sách phát triển điện ảnh từ hoạt động của các Quỹ điện ảnh. Tại Anh, Viện Phim Anh Quốc (BFI) là cơ quan xây dựng và định hình chiến lược, các chính sách phát triển điện ảnh của quốc gia. BFI duy trì các quỹ hỗ trợ điện ảnh, tài trợ phát triển, sản xuất phim và truyền hình, bao gồm cả các hoạt động liên kết sản xuất phim quốc tế. Tại Australia, cơ quan điện ảnh cung cấp các khoản tài trợ cho việc phát triển, sản xuất và tiếp thị nội dung truyền hình, đồng thời hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Tại Hoa Kỳ, các quỹ phát triển điện ảnh rất đa dạng, do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sáng lập với tiêu chí cụ thể, hỗ trợ sự phát triển của điện ảnh Hoa Kỳ nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, một cách khách quan và thẳng thắn cũng đã nêu rõ, việc xác định nguồn thu ổn định để duy trì hoạt động là điểm mấu chốt cho việc thành lập và duy trì hoạt động của Quỹ. “Chính phủ đã nghiên cứu các yêu cầu đề ra về việc không trùng lặp nguồn thu ngân sách với nguồn thu của Quỹ, đồng thời không được tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Với những quy định ngặt nghèo khó có cơ chế nào khác để tạo nguồn thu ổn định cho Quỹ. Trong khi đó, nhiều nhà phát hành, phổ biến phim nước ngoài thu lợi lớn từ thị trường Việt Nam, tuy nhiên không đóng góp trực tiếp cho nền điện ảnh nước nhà. Nhiều nguồn lợi gia tăng trong công nghiệp điện ảnh như quảng cáo, sản xuất sản phẩm mang chủ đề của phim, nhượng quyền thương hiệu phim… cũng thu lợi lớn từ công chúng yêu điện ảnh, song không có hình thức nào đầu tư lại trực tiếp cho ngành điện ảnh...”, lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.

Điểm mấu chốt cho sự hình thành của Quỹ, trên thực tế cũng là câu chuyện được các nhà quản lý, các chuyên gia điện ảnh nhiều lần “đặt lên bàn”. NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải gợi mở, về mặt kinh phí cho Quỹ, đã có nhiều ý kiến nghiên cứu hệ thống phát triển điện ảnh của Pháp với Quỹ điện ảnh được nhà nước điều hành, kinh phí từ trích phần trăm tiền bán vé; hoặc theo cách của điện ảnh Trung Quốc, với sự kết hợp của điện ảnh và truyền hình. TS Ngô Phương Lan dẫn chứng từ Hàn Quốc, nguồn thu của Quỹ là phí % trên vé xem phim của khán giả (trích 5%) và theo cách thức thu hợp lý, cơ chế cụ thể…

Sự tồn tại, sức ảnh hưởng và cách thức vận hành của các mô hình Quỹ điện ảnh tại một số quốc gia như dẫn chứng chính là những góc tham chiếu giàu tính thực tiễn và cọ xát dành cho điện ảnh Việt Nam. Trước những ý kiến trái chiều, Ban soạn thảo dự Luật Điện ảnh sửa đổi đề nghị giữ nguyên quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XV (tháng 10.2021), nhằm tạo công cụ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Việc thành lập Quỹ điện ảnh chưa bao giờ là đơn giản. Nhưng, cũng không thể vì những băn khoăn không rõ hình hài mà gạt bỏ một mô hình có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh, nền tảng cho những sáng tạo, đột phá, kích cầu phát triển công nghiệp điện ảnh…

Bởi thế, hãy đi, rồi sẽ thành đường! 

… Các quốc gia trên thế giới đều nhận thấy một trong những sức mạnh mềm được đưa ra để cạnh tranh trên trường quốc tế chính là điện ảnh. Nếu nhà nước không có chính sách đột phá, đầu tư cụ thể thì không thể tạo nên sức mạnh mềm đó. Do vậy, nhiều quốc gia đã xây dựng quỹ điện ảnh hoặc xây dựng những cơ chế tài chính, tín dụng, thuế ưu đãi trực tiếp cho phát triển điện ảnh…

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)