Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quân phục Công an rao bán tràn lan - Hệ lụy khó lường

Văn Hoa - 16:20, 24/08/2021

Hiện nay các trang mạng xã hội bán tràn lan những bộ quân phục: Công an, Cảnh sát, dân quân tự vệ, Quân đội… mà không được kiểm soát. Một số đối tượng xấu đã mua những bộ quân phục trên để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây hoang mang cho dư luận, làm xấu đi hình ảnh của lực lượng Công an, Cảnh sát…

Có thể dễ dàng mua những bộ quân trang khi chúng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội
Có thể dễ dàng mua những bộ quân trang khi chúng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội

Quân phục được rao bán tràn lan

Trên các trang mạng xã hội, việc rao bán quân trang, quân phục Công an, Cảnh sát cơ động, Quân đội… diễn ra công khai. Chỉ cần vào các trang mạng xã hội  gõ từ khóa “trang phục công an”, "mua trang phục công an”, “quân phục công an” là hàng loạt các kết quả tìm kiếm hiện liên các shop, cửa hàng bán mặt hàng này.

Trong vai một người cần mua bộ đồ quân phục Cảnh sát giao thông, nhắn tin đến một Fanpage, vài phút sau đã có 1 tài khoản cá nhân, với hình đại diện là nữ Công an nhắn tin đến giới thiệu giá các sản phẩm. Theo đó, giá mũ Kêpi Cảnh sát giao thông cả sao là 320 nghìn đồng, giày cấp tướng là 700 nghìn đồng, giày cấp tá 600 nghìn đồng. Chủ hàng còn cam kết các mặt hàng là đúng chuẩn, khi nhận hàng có thể xem hàng trước rồi mới thanh toán. Để khẳng định thương hiệu của mình, chủ hàng còn khẳng định, đã bán rất nhiều cho  Học viện Cảnh sát. Khi chúng tôi hỏi mua bộ trang phục nữ Công an, chủ shop nói: “bộ nữ Công an giờ hiếm lắm, giờ muốn mua phải đặt”.

Qua tìm hiểu các trang Fanpage, các nhóm bán quân phục, thì nhóm “Shop Quân tư trang ngành Công an” rôm rả hơn cả, với hơn 6.000 thành viên. Tại các shop, tất cả các quân tư trang ngành Công an, Quân đội đều được rao bán, như: Mũ, thắt lưng, quần áo, gậy, bộ đàm, biển tên, còng số 8… với cam kết hàng chất lượng chính hãng.

Các shop trên còn sử dụng những hình ảnh người lính, công an, Quốc huy; logo Bộ Công an làm ảnh đại diện, ảnh bìa. Và các từ khóa liên quan đến ngành Công an như: Đồ công an, quân tư trang ngành Công an... Khiến người mua, người xem khó định hình được đâu là thật, đâu là giả.

Hệ lụy khôn lường

Trang phục, quân tư trang ngành Công an và Quân đội giả được bán tràn lan trên mạng xã hội, khiến cho nhiều đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi phi pháp. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện các đối tượng giả danh Công an, Quân đội để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đây là một thực trạng đáng lo ngại.

Mới đây, ngày 4/8, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự nhóm đối tượng đóng giả lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, dừng xe, đe dọa đưa người vi phạm luật giao thông cũng như các quy định chống dịch về trụ sở phường gần nhất để xử lý, với mục đích làm cho người vi phạm sợ, phải đưa ra một số tiền để được bỏ qua lỗi.

Nhóm đối tượng gồm: Nguyễn Đức Anh (SN 2004, HKTT tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), Phạm Việt Đức (SN 2004, HKTT Đống Đa, Hà Nội); Nguyễn Đức Quân (SN 2006, HKTT tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội), Trần Minh Sang (SN 2006, HKTT Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội), Nguyễn Đắc Thắng (SN 2004, HKTT Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nguyễn Văn Tường Huy (SN 2006, HKTT Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Một đối tượng đóng giả lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 bị bắt giữ. (Ảnh tư liệu)
Một đối tượng đóng giả lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 bị bắt giữ. (Ảnh tư liệu)

Để thực hiện hành vi của mình, các đối tượng đã mặc quần áo dân quân tự vệ, ra đường tìm người đi đường không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, vi phạm quy tắc phòng chống dịch; khi phát hiện người vi phạm sẽ yêu cầu dừng xe, kiểm tra hành chính và đe doạ để người vi phạm phải đưa tiền.

Quá trình bắt quả tang các đối tượng, lực lượng chức năng đã thu giữ những tang vật gồm: 3 dùi cui gỗ màu đỏ, trắng, 1 gậy chỉ huy giao thông, 2 dùi cui điện, 3 bộ đàm, 1 súng bắn đạn nhựa và số tiền 341.000 đồng.

Trước đó, tháng 12/2020, Công an huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã bắt được đối tượng Trần Trung Can (SN 15/7/1996, thường trú tại Kinh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Để thực hiện hành vi của mình, Can đã lên mạng mua 1 bộ đồ Cảnh sát Nhân dân Việt Nam, 1 mũ kêpi, 1 dây thắt lưng, 1 bộ phù hiệu cấp hàm thượng úy, 1 cây súng bắn đạn bi (giống loại súng ngắn Z83), 1 chiếc còng số 8 và 1 giấy Chứng minh Công an Nhân dân mang tên Trần Trung Can có ảnh Can mặc trang phục Công an Nhân dân nhằm mục đích lừa gạt bạn gái mới quen...

Lấy lý do thiếu tiền ngân hàng do mua xe trả góp để kinh doanh và đi lại, Can đã nhiều lần hỏi mượn tiền của A., với tổng số tiền là 10.000 USD và 43 triệu đồng. Sau khi mượn tiền, Can đã tiêu xài cá nhân hết, đồng thời Can còn mượn chiếc xe mô tô Airblade biển số 68D 1-534.56 của A. sau đó đem đi cầm cố lấy tiền tiêu xài.

Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình của tình trạng sử dụng quân phục Công an, Quân đội để giả dạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra các đối tượng còn thực hiện các hành vi phạm tội tinh vi khác như: Chạy án, chạy việc, xin giấy phép, giấy tờ, lừa tình, tỏ thị uy với mọi người…

Thủ đoạn chung của những đối tượng này, là lợi dụng lòng uy tín, sự tin yêu của Nhân dân với cán bộ Công an, chiến sĩ quân đội, để từ đó tạo dựng lòng tin và thực hiện lừa đảo khi có cơ hội. 

Có thể thấy rằng, tình trạng mua bán tràn lan quân tư trang, cảnh phục trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các hành vi giả danh để phạm tội. Do đó, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lí việc mua bán quân tư trang, để đem lại sự bình yên cho Nhân dân.