Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển vùng đồng bào DTTS: Bài toán khó mang tên “Việc làm”

PV - 11:51, 09/11/2018

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tăng hộ khá, giàu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực đưa lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng trong công tác này; trong đó huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là một điển hình.

Bài 5: Điểm sáng xuất khẩu lao động

lao động Ông Trịnh Đình Thắng (ngoài cùng, bên trái), xã Quang Trung chia sẻ  về việc con trai đi xuất khẩu lao động về, với số tiền hơn 500 triệu đã xây sửa nhà cửa cho gia đình.

Dành dụm cho tương lai

Năm 2015, chị Bùi Thị Hạnh (sinh năm 1967), dân tộc Mường, trú tại làng Me, xã Đồng Thịnh quyết định sang Saudi Arabia làm việc. Vừa về nước trong thời hạn xuất khẩu lao động (XKLĐ) hết hiệu lực, chị đã có trong tay số vốn kha khá để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Chị Hạnh cho biết, sang Saudi Arabia chị làm giúp việc cho một gia đình, với mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng. Nhờ chăm chỉ làm việc nên có thu nhập tăng thêm gửi về hàng tháng cho gia đình. Sau khi kết thúc thời hạn đi xuất khẩu và về nước, tổng thu nhập được hơn 200 triệu đồng.

“Mình dùng số tiền này xây sửa nhà mới, mua các giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất. Hiện cuộc sống của gia đình đã ổn định, có vốn làm ăn, yên tâm phát triển kinh tế”, chị Hạnh tâm sự.

Tương tự chị Hạnh, năm 2014, anh Trịnh Đình Hưng (sinh năm 1992), ở thôn Quang Thuận, xã Quang Trung đã đi XKLĐ tại Nhật Bản. Ngoài làm theo thời gian chính thức, anh Hưng tranh thủ làm tăng ca thêm nên mức lương của anh được hơn 15 triệu đồng/tháng. Mỗi dịp nhận lương, anh gửi 10 triệu đồng về cho gia đình, số tiền còn lại anh dành dụm cho tương lai.

Năm 2017, anh Hưng về nước, sau khi trừ chi phí, tổng số tiền anh thu nhập được hơn 500 triệu đồng. Anh Hưng đã xây sửa được nhà ở cho gia đình và mua thêm được 2 mảnh đất, kinh tế ổn định hơn trước.

Theo ông Phạm Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Quang Trung, thời gian qua, XKLĐ đã giúp hàng trăm hộ dân đổi đời, bộ mặt vùng quê nghèo Quang Trung từng bước được “thay da đổi thịt”. Những ngôi nhà mái bằng, cao tầng khang trang, rộng rãi mọc lên san sát hai bên đường. Nhiều người trước khi đi XKLĐ rất nghèo, sau khi về nước đã có tiền xây nhà, phát triển kinh tế gia đình.

Từ sự nỗ lực trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của các hộ dân trên địa bàn xã đã có gần 20 hộ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 9%, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 17 đến 20 triệu đồng/năm.

lao động Chị Bùi Thị Hạnh(người ngồi mặc áo vàng) xã Đồng Thịnh- bên căn nhà mới xây chia sẻ về việc nhờ đi XKLĐ về có tiền xây nhà, và có vốn làm ăn phát triển sản xuất.

Giảm nghèo, tăng giàu

Cũng như xã Quang Trung, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Ngọc Lặc ngày càng có nhiều hộ khá, hộ giàu từ con đường XKLĐ. Các địa phương đã tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng lao động thông qua các công ty được cấp phép làm dịch vụ XKLĐ. Bên cạnh đó, những gia đình đã có người thân lao động ở nước ngoài thấy được điều kiện lao động tốt và mức thu nhập khá, nên đã tư vấn thêm cho anh em họ hàng cùng đi.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, những năm gần đây, huyện Ngọc Lặc luôn xác định XKLĐ là hướng đi giúp người dân thoát nghèo. Theo đó, hàng năm huyện có khoảng gần 300 người đi XKLĐ tại các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… những người đi XKLĐ có mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, sau khi kết thúc thời hạn, nhiều người có thêm tiền nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa và phát triển sản xuất.

“Huyện xác định XKLĐ là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, trong quá trình triển khai, địa phương rất quan tâm, chú trọng đến tính pháp lý, cơ chế chính sách giúp người lao động tin tưởng khi tham gia XKLĐ”, ông Dũng cho biết.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, Ngọc Lặc là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt công tác XKLĐ để người dân thoát nghèo bền vững. Theo đó, 9 tháng năm 2018 toàn huyện có 1.926 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 350 người đi XKLĐ trong thời hạn 3 năm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống rõ rệt. Đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 13,75%, đến cuối tháng 9/2018 giảm còn 8,07%.

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, một trong những bài học kinh nghiệm được huyện rút ra để đẩy mạnh XKLĐ là phải chú trọng công tác tuyên truyền. Huyện chú trọng ngay từ khâu giới thiệu phải tư vấn giúp người dân nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài, số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động.

Có thể khẳng định, kết quả và cách làm của huyện Ngọc Lặc trong XKLĐ là kinh nghiệm để các địa phương khác học tập, làm theo. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng thực hiện các giải pháp khác để giải quyết bài toán việc làm cho lao động người DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh trong số báo tiếp theo.

QUỲNH TRÂM