Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Niềm tin?

PV - 11:00, 16/05/2018

Sẵn thửa đất dự án chưa triển khai, dân chung cư nơi tôi ở tranh thủ tăng gia. Chiều chiều, các bà các mẹ tay rổ, tay rá đựng từng mớ rau non mơn mởn, chuẩn bị cho bữa cơm của gia đình. Gặp ai cũng được câu khen: “Ối chà! Rau sạch đấy!”.

Rau sạch ( Ảnh minh họa) Rau sạch ( Ảnh minh họa)

 

Ừ, thì rau mình trồng, biết rõ nguồn gốc, đương nhiên là sạch.

Nhưng ra chợ mua thực phẩm, có lẽ chẳng có tiểu thương nào mà không quảng cáo với khách hàng, đại loại như: rau nhà trồng, trái nhà trồng, cá nhà nuôi, đồ nhà làm… Ở cái thời buổi ăn cái gì cũng sợ, từ thuốc trừ sâu, tẩm hóa chất cho đến hàng làm giả, làm nhái…

Vậy thì dại gì mà không nói hàng mình bán là “sạch”. Không nói thế có mà… sập tiệm!.

Và như một thói quen, từ “sạch’ hiện hữu ở khắp nơi, từ trong từng gia đình ra đến toàn xã hội. Ai cũng nơm nớp, ăn gì-uống gì cho “sạch”.

Sợ nhưng vẫn phải ăn, phải uống. Thế nên cứ nghe rau sạch, thịt sạch, cá sạch,… là mua. Mua vậy thôi, chứ “sạch” đến đâu thì… có trời mà biết.

Người tiêu dùng làm sao kiểm tra được độ “sạch-bẩn” trong thực phẩm.

Dẫn lại câu chuyện “rau 2 luống-lợn 2 chuồng” mà báo chí thời gian qua rầm rộ đưa tin. Chuyện thì rất dài, nhưng tóm gọn là: cùng trên một thửa vườn, trồng một luống rau sạch, để ăn; một luống sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích-để bán. Nuôi lợn cũng thế. Có thứ lợn nuôi bằng rau cám; có thứ nuôi bằng thức ăn tăng trọng, chất tạo nạc nguy hại.

Ấy nên, người tiêu dùng đang mua thực phẩm bằng niềm tin.

Hằng năm, các địa phương cùng cơ quan chức năng đều rầm rộ ra quân thực hiện Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm. Năm nay, tháng hành động cho mục tiêu “sạch” này cũng vừa kết thúc hôm 15/5. Chưa biết kết quả cụ thể ra sao nhưng chắc chắn, đoàn kiểm tra của các ngành, các cấp sẽ khó mà làm rõ hết được mọi ngõ ngách trong cái chuỗi thực phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng.

Điều này liệu có đồng nghĩa với việc, quy trình “rau 2 luống-lợn hai chuồng” cứ lặp đi lặp lại? Và người tiêu dùng lại vẫn tiếp tục sử dụng thực phẩm bằng niềm tin.

Niềm tin mơ hồ về “thực phẩm sạch” cứ nối tiếp ngày qua ngày. Rồi cũng ngày qua ngày, niềm tin này dần bị bào mòn; đổi lại, mối nghi ngại về thực phẩm bẩn cứ dày lên trông thấy. Ăn gì, uống gì, câu đầu tiên không phải là ngon không mà là “sạch không”?.

SỸ HÀO