Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những “hạt sạn lớn” trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022: Phải chăng Ban tổ chức đã cố tình xúc phạm bản sắc văn hóa dân tộc?

Văn Hoa - Hồng Minh - 09:48, 20/07/2022

Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 vừa khép lại với ngôi vị cao nhất thuộc về người đẹp Nông Thuý Hằng, dân tộc Tày, đến từ Hà Giang. Cuộc thi mang mục đích truyền tải vẻ đẹp, bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, đã tạo được sự quan tâm theo dõi của đông đảo người dân, đặc biệt là người DTTS. Tuy nhiên, có những “hạt sạn” không đáng có, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người DTTS, dù đã được báo chí, cộng đồng các DTTS lên tiếng nhiều lần nhưng vẫn lặp lại nhiều lần ở cuộc thi.

Những kiểu cách tân nguy hại

Có thể nói, trang phục là bộ mặt của mỗi dân tộc mà khi nhìn vào, họ sẽ biết được đó là dân tộc nào. Tuy nhiên, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, mở màn là phần đồng diễn của 30 thí sinh trong trang phục dân tộc, nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) lại khó nhận ra bộ trang phục của chính dân tộc mình. Khi nhìn tổng thể các bộ trang phục mà các thí sinh biểu diễn thì dễ dàng nhận thấy, đại đa số trang phục của các thí sinh đã được cách điệu, không đúng với nguyên mẫu gốc trong trang phục truyền thống các dân tộc; thậm chí, có những cách tân nguy hại đã khiến cả cộng đồng dân tộc bức xúc, họ cảm thấy thí sinh "ngoan cố", cố tình xúc phạm vào bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Thí sinh sử dụng khăn Piêu (trong phần đánh dấu), một vật mà người Thái nâng niu, trân trọng, thường chỉ đội đầu hoăc quàng ở cổ để trang trí phần eo và chân váy
Thí sinh sử dụng khăn Piêu (trong phần đánh dấu), một vật mà người Thái nâng niu, trân trọng, thường chỉ đội đầu hoăc quàng ở cổ để trang trí phần eo và chân váy

Còn nhớ, trong đêm bán kết X-Factor, năm 2014, nhóm F-Band dùng khăn Piêu (vốn là vật mà phụ nữ Thái dùng để đội đầu) để làm khố khi biểu diễn gây bức xúc trong dư luận. Cộng đồng các dân tộc, trong đó đặc biệt là cộng đồng dân tộc Thái đã lên tiếng mạnh mẽ, Bộ Thông tin - Truyền thông đã ra quyết định xử phạt thích đáng.

Nhóm F-Band dùng khăn Piêu để làm khố khi biểu diễn gây bức xúc trong dư luận (Ảnh TL)
Nhóm F-Band dùng khăn Piêu để làm khố khi biểu diễn gây bức xúc trong dư luận (Ảnh TL)

Và cách đây ít ngày, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh trong bài viết “Chuyện chiếc váy Thái tại cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2022” đề cập tới một thí sinh dân tộc Thái, mặc bộ trang phục dân tộc Thái cách tân đã khiến cộng đồng dân tộc Thái bức xúc. Theo đó, chiếc váy cách tân của thí sinh biểu diễn theo người Thái (trong đó có các bậc cao niên, các nhà nghiên cứu văn hóa Thái, giới trẻ) có phần ma mị, cách tân thái quá. Chất liệu vải sử dụng trên chiếc váy giống loại vải khít thường được sử dụng trong trang trí nhà mồ của người Thái.

Tại đêm Chung kết cuộc thi, thí sinh này không còn mặc chiếc váy đã được nói trước đó mà thay vào đó là một bộ trang phục Thái khác. Phải chăng đây là một sự tiếp thu, học hỏi, rút kinh nghiệm từ bộ trang phục đã gây tranh cãi? Tuy nhiên, thí sinh này lại  sử dụng chiếc khăn Piêu nối từ hông xuống đến chân váy, lại một lần nữa gây ra những bức xúc trong dư luận.

Trước đó, thí sinh dân tộc Thái đã mặc bộ trang phục dân tộc Thái cách tân (theo nhiều người Thái có phần ma mị) gây ra những bức xúc cho cộng đồng dân tộc Thái
Thí sinh dân tộc Thái mặc bộ trang phục dân tộc Thái cách tân (theo nhiều người Thái có phần ma mị) gây ra những bức xúc cho cộng đồng dân tộc Thái

Tài khoản Facebook “Nàng Ủa Vn” lên tiếng: “…Một bộ thiết kế đi ngược lại văn hoá của đồng bào dân tộc Thái. Trước đó, giám khảo Ngân (ý nói Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc việt Nam năm 2022 ) đã đưa rất nhiều thông tin về chiếc khăn Piêu cho thí sinh Hà và mọi người biết, như vậy rõ ràng Ban giám khảo, Ban tổ chức đã biết phần nào về ý nghĩa của khăn Piêu, vậy tại sao vẫn để thí sinh Hà mặc bộ đó lên sân khấu của đêm Chung kết? Tôi buộc lòng phải bình luận ở đây vì nhiều người đã nhắn tin cho Ban tổ chức nhưng đều không có câu trả lời thoả đáng hoặc không trả lời…”.

Cộng đồng mạng đặt câu hỏi về khâu kiểm duyệt cũng như trình độ tổ chức cuộc thi quy mô quốc gia của Ban tổ chức
Cộng đồng mạng đặt câu hỏi về khâu kiểm duyệt cũng như trình độ tổ chức cuộc thi quy mô quốc gia của Ban tổ chức

Chị Lò Bình Yên cho rằng, đây không phải lần đầu trên sóng truyền hình Quốc gia phát chương trình có trang phục gây phản ứng bất bình như này. Chúng tôi tự hỏi, không biết Ban tổ chức cuộc thi, cũng như phía truyền hình có đội ngũ chuyên gia tư vấn văn hoá không? Nếu không thì thật thiếu sót, nếu có thì cần lưu ý xem xét lại”.

Bà Cầm Lan, con gái nhà Thái học Cầm Trọng cho rằng, với tất cả những ý nghĩa đặc biệt của chiếc khăn Piêu, người Thái rất trân trọng và chỉ dùng khăn Piêu để đội đầu và quàng trên vai. Việc thí sinh thi hoa hậu lấy chiếc khăn Piêu để đắp ở eo và chân váy thể hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng với bản sắc văn hóa dân tộc và phạm phải những điều mà người Thái không nên làm. Bà cũng tỏ rõ sự thất vọng với Ban tổ chức cuộc thi và lo lắng, chương trình đã được công chiếu trên Sóng truyền hình quốc gia, các phương tiện truyền thông, sự hiểu nhầm về văn hóa dân tộc Thái (trang phục) là chắc chắn, rất cần lời giải thích của thí sinh và Ban tổ chức.

Có thể thấy, những ngày qua, ngay sau khi thí sinh dân tộc Thái ra sân khấu với bộ trang phục dân tộc Thái sử dụng chiếc khăn Piêu nối từ hông xuống đến chân váy, cộng đồng các DTTS đã tỏ rõ thái độ bức xúc, khó chịu.

Đặc biệt, cộng đồng các DTTS cảm thấy thất vọng về cuộc thi mà tiêu chí nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhưng cả hành trình cuộc thi, dấu ấn văn hóa các dân tộc vô cùng mờ nhạt.

Cần lời giải thích

Điều mà cộng đồng người Thái lo lắng nhất là, việc thí sinh mặc bộ trang phục dân tộc Thái cách tân được công chiếu trên sóng truyền hình quốc gia, đã có hàng triệu lượt người theo dõi, trong đó có bạn bè quốc tế. Người Thái lo lắng các dân tộc khác, bạn bè quốc tế sẽ hiểu sai lệch về trang phục của người Thái cũng như văn hóa dân tộc. Vậy sự hiểu nhầm nguy hiểm này trách nhiệm thuộc về ai?

Trang phục người Thái vốn được ca ngợi bởi sự đơn giản, duyên dáng và thanh lịch mà khi mặc vào, ai cũng dễ dàng nhận ra đó là người Thái. Một bộ trang phục phổ thông như trang phục dân tộc Thái mà Ban tổ chức một cuộc thi được coi là tầm cỡ quốc gia cũng không thể nhận biết được đã có sự cách tân đến nguy hại, thử hỏi, những bộ trang phục DTTS khác mà các thí sinh khác mặc thì sao? Và khi các DTTS phát hiện sự cố, họ sẽ liên lạc với ai? Kêu ai?...

Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện đến số điện thoại mà Ban tổ chức cung cấp để tìm hiểu thông tin, tuy nhiên đều không liên lạc được. Chúng tôi chắc chắn rằng, cũng giống như chúng tôi, cộng đồng người Thái và các DTTS khác cũng đã liên lạc rất nhiều và đều không liên lạc được hoặc không có câu trả lời thoả đáng từ Ban tổ chức, do đó họ chỉ còn cách bình luận trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.

Đặc biệt, cuộc thi này liên quan đến văn hóa các dân tộc, được phát sóng rộng khắp trên sóng truyền hình quốc gia và các phương tiện truyền thông, việc kiểm duyệt các yếu tố về văn hóa, đặc biệt là trang phục các DTTS là vô cùng quan trọng. Qua theo dõi các phần thi trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, chúng tôi nhận thấy dấu ấn văn hóa các dân tộc vô cùng mờ nhạt. Và hơn nữa, để đúng với ý nghĩa tên gọi cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam thì nên chăng, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo của cuộc thi cũng cần phải là những người có chuyên môn, đặc biệt phải am hiểu về văn hóa các dân tộc. 

Kết thúc cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, những “hạt sạn” trong cuộc thi đã làm sai lệch về hình ảnh, văn hóa các DTTS, rất cần lời giải thích từ Ban tổ chức cuộc thi.