Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người thử việc có quyền đòi lương

Hồng Phúc - 07:40, 13/05/2021

Chị Nhung vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh doanh, chị nộp hồ sơ vào một công ty dược phẩm và được thử việc ở vị trí nhân viên kinh doanh trong 2 tháng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tháng đầu, chị Nhung được trả 80% lương chính thức, nhưng sau khi hết thời hạn thử việc chị bị cho nghỉ việc với lý do dịch Covid-19 nên cắt giảm nhân sự. Với lý do chưa đến ngày thanh toán lương định kỳ, công ty không trả lương cho chị. Sau một tháng rưỡi nghỉ việc, dù đã nhiều lần đề nghị với công ty, nhưng chị Nhung vẫn chưa được nhận lương.

Chị Nhung rất bức xúc, đã đến văn phòng luật hỏi rõ về trường hợp của mình. Luật sư cho biết, theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức. Ở đây công ty đã vi phạm quyết định trong lĩnh vực lao động. Công ty sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc trả đủ số lương còn lại cho người lao động, theo điểm c, khoản 2, Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Hơn nữa, lý do “chưa đến ngày thanh toán lương định kỳ” để không trả lương thử việc thì không hợp lý. Công ty đã vi phạm nguyên tắc trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động, nên sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Để đòi lại quyền lợi của mình, chị Nhung có thể làm đơn đề nghị hòa giải tranh chấp lao động, gửi tới hòa giải viên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội của UBND cấp quận, huyện. Chị Nhung cũng có thể gửi đơn tới UBND cấp quận, huyện hoặc Thanh tra lao động để xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm của công ty, đồng thời buộc công ty phải trả đủ lương cùng khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả.

Trường hợp của chị Nhung xảy ra khá phổ biến, nhất là trong những doanh nghiệp nhỏ. Việc xây dựng hành lang pháp lý nội bộ, pháp chế doanh nghiệp còn yếu kém, vì vậy các công ty thường tự quy định về chế độ đãi ngộ, không bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Chúng ta phải chú ý đến quyền lợi của mình để tránh bị thiệt thòi.