Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghề làm ngói âm dương ở Lũng Rì

Văn Tiệp - 18:28, 16/03/2021

Từ xa xưa, tại Cao Bằng người Nùng ở xã Tự Do, huyện Quảng Hòa rất giỏi nghề làm ngói âm dương (ngói máng). Chất lượng ngói tốt, bền, dùng lập mái nhà tạo sự thoáng mát, thẩm mĩ cho ngôi nhà. Trải qua những thăng trầm của thời gian, hiện chỉ còn vài hộ gia đình ở Lũng Rì còn giữ nghề làm ngói máng.

Người dân Lũng Rì dùng trâu để nhào đất làm ngói âm dương
Người dân Lũng Rì dùng trâu để nhào đất làm ngói âm dương

Xóm Lũng Rì cách TP. Cao Bằng khoảng trên 30 km, đây là làng nghề làm ngói âm dương đã có hàng trăm năm tuổi. Ngói Lũng Rì được làm thủ công rất cẩn thận, màu sắc đẹp, dùng lợp mái nhà rất thoáng mát.

Để làm ngói máng theo cách truyền thống, phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Riêng khâu chọn nguyên liệu đất hiện nay cũng khó khăn. Chị Lục Thị Niềm (36 tuổi) ở Lũng Rì cho biết, nguyên liệu chính để làm ngói là đất, nhưng phải từ ba loại đất khác nhau.  Đất được đập ra cho mềm, trộn nước vào rồi dùng trâu để dẫm cho nhuyễn. Tiếp theo, phải ủ đất khoảng 5-6 ngày rồi mới lấy lên sàng lọc những tạp chất như sỏi, đá. Đây là công đoạn tỉ mỉ nhất, phải dùng dụng cụ có căng một đoạn dây để xẻ từng lớp đất đặc ra nhặt tạp chất.

Chị Lục Thị Niềm đang thực hiện một công đoạn làm ngói.
Chị Lục Thị Niềm đang thực hiện một công đoạn làm ngói.

Vừa trò chuyện, đôi tay chị Niềm vừa thoăn thoắt cắt gọt từng miếng đất sét để nhặt đá, sỏi ra ngoài. Sau khi lọc sạch, đất được chất thành khối và phủ ni lông kín để bảo đảm giữ độ ẩm. Tiếp đến là công đoạn tạo hình, đất được tạo thành khối hình chữ nhật. Độ dài và dày của viên ngói vừa phải, những người thợ lành nghề sẽ tự ước lượng được. Sau đó, viên ngói được đưa lên khuôn gỗ, người thợ nhẹ nhàng miết cho đều, có thể bôi một chút nước lên bề mặt để cho những lớp đất sét chưa hoàn chỉnh bằng phẳng hơn.

Sản phẩm ngói âm dương ở Lũng Rì
Sản phẩm ngói âm dương ở Lũng Rì

Công đoạn tiếp theo, ngói đem phơi trên nền đất được phủ lớp trấu, mục đích là để ngói còn chưa khô khỏi dính xuống bề mặt đất và bảo đảm độ khô ráo. Khâu cuối là xếp ngói vào lò nung liên tục chừng bảy ngày đêm, người dân thay nhau túc trực và giữ nhiệt độ vừa đủ nhằm đảm bảo chất lượng ngói tốt. Mỗi lò nung sẽ cho ra sản phẩm chừng 15 nghìn đến 18 nghìn viên ngói.

Anh Lục Văn Thành (nhà ở xã Tự Do, hiện là cán bộ công tác tại TP. Cao Bằng) là người đóng góp khá nhiều vào hoạt động quảng bá làng nghề đến với cộng đồng qua mạng xã hội. Qua kênh quảng bá của anh, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tìm đến Lũng Rì để đặt hàng. Anh Thành chia sẻ: “Có những người tận bên Hà Giang họ đặt mua ngói với tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng để làm các khu du lịch. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng, có thể giúp đỡ bà con quê mình duy trì nghề truyền thống, bán được nhiều sản phẩm”.

Ngôi nhà sàn mới dựng được lợp ngói âm dương của làng Lũng Rì
Ngôi nhà sàn mới dựng được lợp ngói âm dương của làng Lũng Rì

Trong dòng chảy của cuộc sống hiệnj đại, có không ít người thích tìm đến những thứ xưa cũ, truyền thống. Để có thể duy trì làng nghề, chính quyền cần quan tâm nhiều hơn trong khâu tạo đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu để quảng bá làng nghề, phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Nghề làm ngói âm dương ở Lũng Rì 4
Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...