Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vĩnh Phúc: Vai trò của HTX tại các làng nghề truyền thống

Việt Sơn - 11:35, 08/03/2021

Hiện nay, tại một số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều Hợp tác xã (HTX) được thành lập, nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các cơ sở sản xuất, quy mô hộ gia đình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần giữ gìn và phát triển giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Cần phải thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, thụ động
Cần phải thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, thụ động

Sản xuất nhỏ, thiếu liên kết

Theo thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề đã được công nhận, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới; tạo việc làm cho khoảng 55.000 lao động khu vực nông thôn với mức thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Các làng nghề truyền thống luôn có một chỗ đứng nhất định tại các địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân; khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế và tạo nên một nét đẹp văn hóa mang tính đặc trưng.

Mặc dù vậy, quá trình phát triển của đa số các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao; hầu hết chủ hộ sản xuất chưa được đào tạo về lĩnh vực quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường...

Nhiều cơ sở sản xuất nghề truyền thống hiện nay có rất ít thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề “cứng” để có thể đáp ứng được những yêu cầu về tính thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng, dẫn đến việc sản phẩm làm ra chưa thực sự đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với các dòng sản phẩm cùng loại.

Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu, thiếu hụt lao động trẻ, quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ lẻ, manh mún; nguồn vốn và khả năng huy động vốn hạn chế... Sản phẩm hàng hóa của các làng nghề hầu hết chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; thiếu sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề...

Để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhiều HTX được hình thành và hoạt động, thể hiện vai trò cầu nối quan trọng giữa các hộ sản xuất cá thể, kết nối nguồn cung sản phẩm phong phú và thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống.

Thay đổi để phát triển

Trước đây, nhiều hộ gia đình tại các làng nghề thường có tâm lý giữ nghề, chỉ truyền nghề cho người thân trong gia đình, dòng họ để tránh bị “mất nghề”. Cùng với đó là phương thức sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là hộ gia đình; máy móc, công nghệ sản xuất không được chú trọng đầu tư nên năng suất đạt thấp... Nay, trước xu thế cạnh tranh của kinh tế thị trường, quan niệm sản xuất của người dân đã từng bước thay đổi. Họ chủ động truyền nghề lại cho thế hệ trẻ nhằm giúp các làng nghề tránh được nguy cơ mai một và ngày càng phát triển hơn. Thêm vào đó, việc ra đời của mô hình HTX, các tổ sản xuất nhằm tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong các công đoạn nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, có thể đứng vững trước những biến động của thị trường.

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009, đến nay, HTX Cơ khí Thành Long ở thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường) đã tìm được chỗ đứng trên thị trường với nguồn tiêu thụ đầu ra ổn định cho các sản phẩm rèn truyền thống, các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.

Anh Phùng Văn Quy, Giám đốc HTX chia sẻ: “Từ khi HTX được thành lập đã giúp các thành viên tăng cường sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Với việc đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại giúp các thành viên từ bỏ dần thói quen sản xuất nhỏ lẻ, thụ động, hình thành sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất giữa các thành viên cũng như giữa HTX và các hộ sản xuất quy mô gia đình”.