Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người giữ nghề làm ngói âm dương

PV - 09:17, 07/03/2018

Xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử mà còn nổi tiếng với nghề làm mái ngói âm dương.

Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, nghề làm ngói tưởng nơi đây vẫn tồn tại, và phát triển ổn định. Nhờ có những người như ông Hoàng Công Ngọc, người gắn bó 60 năm với nghề làm ngói.

Giữ nghề của cha ông

Đến giáp chân đèo Tam Canh, rẽ trái chưa đầy 50m, hai bên đường san sát những lán trại, bên trong từng hàng, từng hàng ngói máng thô mộc nhiều vô kể xếp đều tăm tắp đang chờ vào lò nung, cách đó là những lò ngói đang nhả khói.

Thế nhưng điều làm cho chúng tôi thật sự ấn tượng đó là khung cảnh tấp nập của một làng nghề. Đó đây, bên trong hay trước cửa lán trại, những người dân cặm cụi, say sưa làm việc, người mê mải dẫm đất, người cẩn thận cắt xén những vuông đất nhỏ.

Ngày trẻ ông đóng được 8.000 viên/ngày và hiện nay dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn đóng được 5.000 viên/ngày. Ngày trẻ ông đóng được 8.000 viên/ngày và hiện nay dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn đóng được 5.000 viên/ngày.

 

Ngói âm dương hay còn gọi là ngói máng, là vật liệu xây dựng truyền thống để lợp những mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Nghề làm ngói âm dương đã xuất hiện ở đây cách đây hơn 100 năm. Ông Hoàng Công Ngọc (80 tuổi) người có 60 năm làm ngói cho biết: Theo truyền thống của người Dao, Tày, Nùng thì những ngôi nhà ở đây được xây dựng và lợp mái chủ yếu bằng ngói âm dương, loại ngói được làm từ đất nung nên rất mát.

Để làm mái ngói tốt thì khâu đầu tiên là phải chọn được đất, là loại đất sét mua ở huyện Bình Gia. Đất sau khi mua về sẽ được thái nhỏ để loại bỏ đá sỏi, sau đó tưới nước ủ 20 ngày để đất dẻo, khi nung ngói sẽ không bị sống, sau đó mới giẫm sao cho đất được trộn đều và dẻo quánh. Sau khi đất đã được làm dẻo sẽ được những người thợ ở đây đóng vào khuôn.

baodantoc_ngoi1

“Đóng khuôn là công đoạn đòi hỏi người thợ phải làm thật khéo léo, nhẹ nhàng thì khuôn ngói và vòng đất mới dễ dàng tách rời nhau” ông cho biết. Ông Ngọc kể, trước đây người ta làm khuôn cố định chỉ có thể làm được một viên ngói nhưng trong quá trình lao động sản xuất người Quỳnh Sơn đã sáng tạo làm khuôn hình chữ nhật để mỗi lần đưa đất vào khuôn có thể làm được hai viên ngói đều nhau chằn chặn.

“Ở Quỳnh Sơn hiện có khoảng 30 hộ dân còn sản xuất ngói âm dương. Sản phẩm làm ra cũng để bán chủ yếu cho các huyện trong tỉnh Lạng Sơn như Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia, thỉnh thoảng cũng có những xe chở ngói đi các tỉnh lận cận như Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên… Nói chung ngói ra lò là có người tới lấy luôn”-ông Ngọc phấn khởi.

Vẫn được ưa chuộng, vẫn làm

Quy trình làm ngói âm dương mất khá nhiều thời gian, mỗi năm trung bình chỉ cho ra lò khoảng 2-3 lò ngói. Để hoàn thiện sản phẩm phải mất từ 3-4 tháng, từ công đoạn nhào đất sét, ủ đất trong vòng nửa tháng, lọc sỏi đá, cho vào khuôn rắc một lớp tro chống dính, sau đó phải đợi ngói khô mất khoảng 1-2 tháng rồi mới cho vào lò nung.

Mỗi lò nung chứa được từ 40.000-60.000 nghìn viên ngói, nung liên tục trong khoảng thời gian 10 ngày 10 đêm. Sau đó hạ lửa, chờ nguội và bê ra khỏi lò. Ngói âm dương hiện nay bán với giá trên thị trường là 1.000 đồng/viên. Một ngày ông Ngọc thường đóng được khoảng 5-6 vạn viên. Ngói sau khi nung chín sẽ có người ở các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng tới đặt mua với giá 16 triệu đồng/10 vạn ngói

Ông Ngọc chia sẻ: “Làm ngói này khá nhiều công đoạn, cũng vất vả lắm, giờ chỉ có người già với tầm trung tuổi là làm, còn người trẻ thường họ sẽ đi làm công ty. Nhưng con cháu, người trẻ ai muốn theo nghề, tôi đều sẵn sàng truyền lại cho các cháu”.

Theo ông Ngọc, sản xuất bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu chưa ổn định, đội ngũ lao động lành nghề ít, sản phẩm ít được quảng bá và sự cạnh tranh với những loại mái hiện đại tưởng như khiến nghề làm ngói âm dương rơi vào mai một. Thế nhưng, loại ngói truyền thống này vẫn được nhiều người ưa chuộng vì những đặc tính riêng, không một loại ngói nào sánh bằng. Điều đó là động lực giúp những người làm ngói giữ gìn, phát triển nhằm giữ lại một loại ngói truyền thống làm nên diện mạo bao công trình.

“Vẫn có người muốn mua thì tôi vẫn làm. Nhiều người làm ngói trong xã vẫn bảo, nhiều lúc nghề làm ngói âm dương tưởng chừng tàn lụi, ấy vậy mà giờ đây, nghề làm ngói ở Quỳnh Sơn vẫn duy trì và phát triển. Những người con của đất Quỳnh Sơn như chúng tôi vẫn thổi hồn vào đất từ đôi tay cần mẫn của mình, giữ cho những lò nung ngói luôn đỏ lửa hằng ngày và đóng góp thầm lặng để tạo nên nét đặc sắc trên những mái nhà cổ kính rêu phong, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân xứ Lạng”-ông Ngọc chia sẻ.

NGUYỄN LÊ