Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghề đan sung của người Sán Chí

Đông Khánh - 10:45, 17/11/2020

Xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có 7 dân tộc, trong đó người Sán Chí (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay) chiếm đa số. Đồng bào còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống, trong đó có nghề đan sung.

Phụ nữ Sán Chí ở Kiên Lao với công việc đan sung
Phụ nữ Sán Chí ở Kiên Lao với công việc đan sung

Một trong những niềm tự hào của người Sán Chí ở xã Kiên Lao còn duy trì được bản sắc truyền thống thông qua việc tự làm thủ công những chiếc sung (hay còn gọi là tay nải, túi đựng đồ khi đi hội, đi làm, đi chợ…). Với đồng bào Sán Chí nơi đây, chiếc sung là vật dụng có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ là vật dụng đựng đồ đạc mà còn được xem như là trang sức của phụ nữ, nên bao năm qua đồng bào vẫn bảo tồn rất tốt nghề thủ công này.

Con gái Sán Chí từ nhỏ đã được ông bà, bố mẹ truyền dạy đan sung. Với những cô gái sắp đến tuổi lấy chồng phải tự tay đan vài chiếc sung để đựng đồ đạc mang theo khi về nhà chồng. Chính vì vậy, những người phụ nữ Sán Chí rất cần mẫn, thành thạo với từng đường kim, mũi chỉ để tạo nên một chiếc sung. 

Về cấu trúc, chiếc sung khá đơn giản, giống chiếc túi xách bình thường, có màu trắng, thế nhưng để làm ra nó là cả một quá trình dày công với bao công đoạn và bàn tay khéo léo, tỷ mỉ của các bà, các mẹ, các chị vùng cao. Để có một chiếc sung ưng ý, đầu tiên phụ nữ Sán Chí phải vào rừng sâu lấy thân cây sắn dây rừng làm nguyên liệu (ngày nay nhiều gia đình đã trồng sắn dây rừng để tiện cho việc thu hái). Thân sắn dây được tước bỏ vỏ, lấy sợi trắng bên trong rồi chà cho xoắn lại, phơi khô. Cây sắn dây rừng có ưu điểm là rất dai, không ngấm nước, bền. Sau khi phơi khô, chị em sẽ dùng chiếc “kéo xị” hình dáng giống lưỡi hái để đan sung.

Xác định đây là nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, những năm qua UBND xã Kiên Lao đã dành kinh phí tổ chức lớp dạy đan sung, giới thiệu nghề truyền thống trong các lễ hội. Đó chính là một trong những cách người dân tộc Sán Chí giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đó tạo ý thức sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày.

Bà Lâm Thị Khen người biết đan sung từ nhỏ. Bà Khen kể: “Mẹ tôi dạy, con gái Sán Chí ai cũng phải biết đan sung, nếu không sẽ bị chê là vụng, không ai lấy làm chồng. Vì thế ban ngày bận đi nương rẫy, trưa và tối hay những lúc nông nhàn tôi lại đan sung. Để làm được một chiếc sung phải mất cả tháng, thậm chí với người mới đan mất vài tháng”. Bình thường chiếc sung của người Sán Chí sẽ để mộc nhưng cũng có chị em khéo léo và kỳ công hơn sẽ thêu thùa các họa tiết hoa văn với những màu sắc khác nhau để chiếc sung thêm đẹp và mềm mại, cuốn hút. Do đó, chiếc sung của người Sán Chí không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần mà còn chứa đựng trong đó cả giá trị nhân văn sâu sắc, giá trị thẩm mỹ cao.

Không chỉ mong muốn dừng lại ở việc bảo tồn, chính quyền và những người tâm huyết tại Kiên Lao còn muốn phát triển, nâng tầm nghề đan sung, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch, làm quà tặng lưu niệm của du khách. 

Trong Đề án xây dựng Nông thôn mới của xã, Kiên Lao xác định việc khôi phục, giữ gìn, phát huy nghề đan sung của dân tộc Sán Chí là một tiêu chí văn hóa quan trọng. Xác định đây là nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, những năm qua UBND xã Kiên Lao đã dành kinh phí tổ chức lớp dạy đan sung, giới thiệu nghề truyền thống trong các lễ hội. Đó chính là một trong những cách người dân tộc Sán Chí giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đó tạo ý thức sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày.