Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Luật Báo chí 2016: Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi

Trương Vui - 10:00, 10/06/2023

Gần 80 chuyên gia, các nhà báo, các luật sư, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học đã tham gia thảo luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016” diễn ra vào sáng nay, 10/6.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Tư pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì; Cục Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Luật Hà Nội, Tạp chí TT&TT phối hợp tổ chức. Đây cũng đồng thời là Hội nghị tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 - một trong những chương trình công tác năm 2023 của Bộ TT&TT được Chính phủ giao gắn với nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, sau 6 năm thực hiện, Bộ TT&TT ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của Nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Qua đó góp phần nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí. Từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập do Luật Báo chí 2016 không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin trong thời kỷ nguyên số. Bộ TT&TT đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề đó cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tại hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Qua đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn các ý kiến đánh giá tại Hội thảo sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng góp vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại Hội thảo

Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ là thông tin hữu ích cho hai Bộ trong quá trình tham mưu, thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 2016 cũng như đề xuất đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới.

Bên cạnh chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp còn có vai trò là cơ quan chủ quản báo chí với hai ấn phẩm lớn là Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Cùng với đó, Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp (hai cơ quan trực thuộc Bộ) cũng có hai tạp chí uy tín, là Tạp chí Luật học và Tạp chí Nghề Luật.

Với vai trò đó, qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, Bộ Tư pháp rất quan tâm việc hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí để vừa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính tự chủ, tạo được sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí vừa xác định rõ trách nhiệm, sự lãnh đạo, hướng dẫn của cơ quan chủ quản đối với báo chí, bảo đảm cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ TT&TT cập nhật và bám sát các văn bản, nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương thời gian qua về công tác báo chí để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng các khó khăn, vướng mắc về thể chế gây cản trở cho hoạt động của cơ quan báo chí cũng như công tác quản lý nhà nước về báo chí, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí (Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030); xây dựng Kế hoạch toàn diện, chi tiết về việc sửa đổi, bổ sung Luật, báo cáo Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật và thực hiện quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ, thời hạn được giao.

PGs.Ts. Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tham gia trình bày tham luận tại Hội thảo
PGs.Ts. Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tham gia trình bày tham luận tại Hội thảo

Trong quá trình soạn thảo Luật, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ TT&TT quan tâm, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, xác định chính sách quan trọng trong dự thảo Luật để truyền thông rộng rãi nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Cùng với đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần tranh thủ sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội để tạo thuận lợi trong quá trình trình Dự thảo Luật.

PGs.Ts. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo
PGs.Ts. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo

Trên cơ sở này, Hội thảo đã tập trung đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016, phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí, gợi mở những nhóm vấn đề cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.

Cùng với đó, các đại biểu tham gia cũng phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam.

Đồng thời, trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.