Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Loại hình Hát Dô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thanh Thuận - 18:03, 20/02/2024

Ngày 19/2, huyện Quốc Oai (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn Hát Dô xã Liệp Tuyết.

Thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Dô cho đại diện lãnh đạo và nhân dân xã Liệp Tuyết. Ảnh: Hoàng Sơn
Thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hát Dô cho đại diện lãnh đạo và Nhân dân xã Liệp Tuyết. (Ảnh: Hoàng Sơn)

Theo chính quyền địa phương, Hát Dô là một loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian mang tính nghi lễ, gắn với tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” Việt Nam. Hát Dô được sáng tạo, thực hành và giữ gìn bởi cộng đồng cư dân xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai. 

Nội dung chủ yếu của các bài hát là cầu mong sự bình yên che chở của vị Thánh mà họ ngưỡng mộ, mong muốn một năm làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Bên cạnh đó là những câu hát về bốn mùa, về các loài hoa, nói lên khát vọng của con người trong việc nhận thức về thế giới tự nhiên.

Hát Dô có 3 kiểu hát: Hát Thờ (hát trong đền), hát Trúc và hát múa Bỏ Bộ (hát ngoài sân đền). Hát Dô không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Chỉ mộc mạc, giản dị vậy thôi, mà Hát Dô vẫn truyền tải đến người nghe những giai điệu ngọt ngào, đầm ấm và thanh thoát của quê hương xứ Đoài.

Hát Dô có từ lâu đời, không ai còn nhớ chính xác có từ bao giờ, chỉ biết là hội Hát Dô cuối cùng được tổ chức vào năm 1926. Từ đó đến nay, hội Hát Dô không được thực hiện trong cộng đồng, nên việc tổ chức thực hành bị gián đoạn.

Hát Dô ngày càng được trẻ hóa bởi đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận.
Hát Dô ngày càng được trẻ hóa bởi đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận.

Trước nguy cơ thất truyền của Hát Dô, đầu những năm 2000, Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liệp Tuyết đã cất công đi sưu tầm các làn điệu, thể thức và kỹ năng diễn xướng của Hát Dô, đồng thời còn đi vận động thanh thiếu niên tham gia học hát. Sau đó, Câu lạc bộ Hát Dô được thành lập với 30 thành viên, do Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan làm Chủ nhiệm. Phong trào Hát Dô trong xã Liệp Tuyết ngày càng phát triển. 

Với những giá trị của Hát Dô, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Dô của xã Liệp Tuyết là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để phát huy truyền thống, giá trị của làn điệu Hát Dô, chính quyền xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai đã có kế hoạch xây dựng, bảo tồn, kế thừa các điệu hát này.