Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lễ hội Mường Ca Da được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Quỳnh Trâm - 12:09, 28/03/2023

Tối ngày 27/3, Huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Ca Da và Lễ hội Mường Ca Da lần thứ 4 năm 2023.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Lễ hội Mường Ca Da là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho lãnh đạo và Nhân dân huyện Quan Hóa
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Lễ hội Mường Ca Da là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho lãnh đạo và Nhân dân huyện Quan Hóa

Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Ca Da là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực của chính quyền các cấp và Nhân dân huyện Quan Hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Thông qua các hoạt động của lễ hội góp phần tuyên truyền về truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Quan Hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội gồm: Phần lễ với điểm nhấn là lễ rước kiệu từ chùa Ông đến đền thờ Thượng tướng lĩnh thống quân Khằm Ban, lễ Xên Mường, lễ Tay - Ắm - Oóc, lễ Khun Mục Pục Tứn (lễ mộc dục); lễ công bố quyết định công nhận Lễ hội Mường Ca Da là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Mường Ca Da
Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Mường Ca Da

Được biết, Lễ hội Mường Ca Da là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái huyện Quan Hóa. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao của nhân vật lịch sử “Thượng Tướng thống lĩnh quân Khằm Ban” cùng với Nhân dân đã có công khai phá vùng đất Mường Ca Da; khơi dậy nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của vùng đất và người Quan Hóa.

Sau khi được phục dựng, Lễ hội tổ chức 5 năm 1 lần, với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đặc sắc, như: Lễ mộc dục, lễ rước kiệu - dâng hương, lễ “Tay ắm oóc”, lễ “Xên Mường”; thi văn nghệ quần chúng; trình diễn trống, chiêng, khua luống; thi thiếu nữ đẹp trong sắc phục dân tộc; trình diễn dệt thổ cẩm; tổ chức các môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, đi cà kheo đá bóng, đi cầu thăng bằng, đẩy gậy, kéo co, tung còn…

Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ
Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ

Ngoài ra, trong không gian Lễ hội sẽ tổ chức các gian trưng bày đặc sản các địa phương. Với những giá trị lịch sử, nhân văn và khoa học sâu sắc. Năm 2019, Lễ hội Mường Ca Da được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên năm 2023 huyện Quan Hóa mới tổ chức đón nhận.

Cùng với Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Ca Da, Lễ hội Mường Ca Da lần thứ 4 năm 2023 được diễn ra từ ngày 26 - 28/3 với nhiều hoạt động đặc sắc của các đội thi đến từ 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quan Hóa với các trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc như kéo co, đẩy gậy, tung còn, bắn nỏ, đi cà kheo đá bóng, gói bánh ú; trình diễn các điệu khặp nổi tiếng như: Khặp giao duyên, khặp tiễn dặn người yêu, khặp xuống đồng, khặp chèo thuyền...; cuộc thi thiếu nữ đẹp trong sắc phục dân tộc; trình diễn dệt thổ cẩm, gian trưng bày đặc sản...

Ngoài ra, trong lễ hội có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian mang bản sắc văn hóa dân tộc Thái
Ngoài ra, trong lễ hội có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian mang bản sắc văn hóa dân tộc Thái

Đặc biệt, trong khuôn khổ của Lễ hội diễn ra nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, giao lưu văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Việt - Lào giữa hai huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) và Viêng Xay (Hủa Phăn - Lào), thu hút sự tham gia đông đảo của Nhân dân và du khách.