Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người Sán Dìu ở Tuyên Quang giữ gìn điệu Soọng cô

Phượng Diễm - 06:45, 25/11/2023

Mỗi dân tộc đều có một “báu vật" văn hoá riêng. Đối với người Sán Dìu ở Tuyên Quang, có thể nói báu vật đó là điệu hát Soọng cô - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận. Đặc biệt, người Sán Dìu luôn ý thức được việc gìn giữ và lan tỏa di sản văn hóa, để Soọng cô hiện diện sống động trong cuộc sống của đồng bào

Biểu diễn Soọng cô ở sân đình
Biểu diễn Soọng cô ở sân đình

Ở Tuyên Quang, cộng đồng dân tộc Sán Dìu có hơn 10.000 người, chỉ chiếm khoảng 1,4% dân số toàn tỉnh, nhưng dấu ấn văn hoá của họ lại khá đậm nét. Và Soọng cô là một nét đặc sắc không thể trộn lẫn.

Truyền thuyết “Truyện quả bầu” giải thích nguồn gốc dân tộc Sán Dìu, có kể lại về sự ra đời của Soọng cô. Thủa xa xưa, khi trời đất còn gần nhau, một ngày nọ, ông trời nổi giận cho nước dâng cao đe doạ đến đời sống yên bình của một làng quê nằm bên sông. Hai chị em mồ côi nọ, tuy không cha mẹ nhưng lại nhanh nhẹn, trốn được vào một quả bầu khô, rồi nổi lên theo dòng nước mà sống sót.

 Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ đành lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Do con cháu trong làng cùng huyết thống, không thể tiếp tục lấy nhau được nên họ phải sang làng khác tìm hiểu. Và trong lúc tìm duyên, họ đã dùng lời ca, tiếng hát để bày tỏ lòng mình. Đó chính là ngọn nguồn ra đời điệu hát Soọng cô và được gìn giữ cho đến tận ngày nay.

Theo tiếng Sán Dìu, "soọng" nghĩa là xướng, còn "cô" nghĩa là ca, vậy Soọng cô có nghĩa là ca hát. Đây là hình thức phổ biến trong các dịp lễ hội, mùa xuân, thể hiện tình yêu xứ sở, yêu lao động và mối quan hệ giữa người với người. Soọng cô được hát theo sách, rất bài bản. 

Chủ đề của soọng cô cũng rất phong phú, từ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, đến tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, nghĩa sống có hiếu, có nhân. Ngày nay, dựa vào giai điệu cổ, người Sán Dìu còn sáng tác thêm những bài ca mới, theo những chủ đề hiện đại như ca ngợi quê hương đất nước, bản làng.

Tiếng hát cất lên từ nếp nhà, bên bờ suối, từ trên nương, trong các lễ hội, đám cưới, lúc dìu dặt, êm ái, khi ngân cao, vang xa, lúc thánh thót ngân nga, khi trầm ấm, đi vào lòng người… Tất cả làm nên một món ăn tinh thần không thể thiếu, có sức sống mãnh liệt suốt bao nhiêu thế hệ người Sán Dìu.

Nghệ nhân Lục Văn Bảy và CLB Soọng cô
Nghệ nhân Lục Văn Bảy và CLB Soọng cô

Ở xã Ninh Lai huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, người Sán Dìu sinh sống tập trung, chiếm khoảng 70 dân số của xã. Bà con đều tự hào khi biết làn điệu truyền thống của dân tộc mình đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bởi vậy, khi có câu lạc bộ hát Soọng cô, mọi người đều náo nức tham gia. Đó là nơi để được giao lưu và được hát lên làn điệu truyền thống của dân tộc mình, như là được gặp lại ngàn xưa, mà cũng là được mang sức mạnh ấy đến cho mai sau.

Câu lạc bộ Soọng cô của xã Ninh Lai có đến hơn 100 thành viên, các thôn trong xã đều có người tham gia. Để duy trì được hoạt động của câu lạc bộ, không thể không kể đến tâm huyết của ông Lục Văn Bảy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ. 

“Tuần nào câu lạc bộ cũng sinh hoạt, rất đều đặn. Mới đầu chỉ có các thành viên lớn tuổi, vốn đã có kinh nghiệm và thời tuổi trẻ hát Soọng cô. Nhưng về sau này, câu lạc bộ còn kết nạp thêm nhiều thành viên là thiếu niên, thiếu nhi là những người trẻ, tiếp thu nhanh.  Đó chính là niềm hy vọng, là lớp trẻ sẽ gìn giữ và tiếp nối truyền thống đặc sắc này của dân tộ", .ông Bảy cho hay.

Không chỉ có Ninh Lai mà ở xã bên - Sơn Nam cũng có một câu lạc bộ tương tự, với rất nhiều thành viên trẻ tuổi tham gia, để rồi họ truyền lại cho nhau những điệu hát qua các buổi sinh hoạt hàng tuần.

Em Đỗ Thị Thanh Trà (xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương) cho biết, em rất thích tham gia lớp học vì ở đây em được chỉ bảo tận tình. Em sẽ cố gắng tập luyện và mong ước biểu diễn văn nghệ ở trường sẽ là dịp em hát điệu Soọng cô, để cả thầy, cô giáo và các bạn cùng biết đến nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Dìu.

Từ người trẻ đến người già đều mong gìn giữ điệu hát dân tộc
Từ người trẻ đến người già đều mong gìn giữ điệu hát dân tộc

Trong các địa phương có sự hiện diện của đồng bào dân tộc Sán Dìu, Tuyên Quang cũng là một tỉnh tích cực thúc đẩy gìn giữ, phát huy nét đẹp của Soọng cô. Từ khuyến khích thành lập các đội văn nghệ quần chúng, cho đến việc giao Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh sưu tầm, dàn dựng các tiết mục Soọng cô để lồng ghép trong các chương trình biểu diễn, văn hoá nghệ thuật.

Như ông Bảy tâm sự: “Tôi thấy mình không đơn độc, vì ngoài sự hưởng ứng nhiệt huyết của bà con, còn có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương để cùng chung tay bảo tồn giá trị văn hoá độc đáo của người Sán Dìu".

Với Soọng cô, không chỉ là câu chuyện những câu hát được vang lên, làm đẹp cuộc sống, mà còn là nét văn hoá tinh thần quý báu do cha ông truyền lại, là sợi dây níu giữ người Sán Dìu sống đoàn kết, sống đẹp như bao đời nay vẫn thế.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 425 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là: Lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của người Cao Lan (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay); Lễ hội Đình Thọ Vực; Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao…